Đẩy mạnh công tác thực thi bản quyền tác giả

Nguyễn Hà Phương

Sáng ngày 19/1, tại Hà Nội đã diễn ra “Lễ tổng kết hoạt động VCPMC năm 2023” do Hội nhạc sĩ Việt Nam, Trung tâm bảo vệ quyền tác giả Việt Nam VCPMC tổ chức. Sự kiện là hoạt động tổng kết, đánh giá những kết quả đã đạt được trong năm 2023 về vấn đề bảo vệ bản quyền trong âm nhạc, cũng như đề ra những giải pháp và định hướng mới trong năm 2024

Theo đó, tham dự sự kiện có ông Phạm Cao Thái, Vụ trưởng Vụ pháp chế Bộ văn hóa – Thể thao và Du lịch; Ông Hoàng Tuấn An, Trưởng phòng Quản lý và Hợp tác quốc tế về quyền tác giả; cùng các đại biểu đại diện cho các Ban, Bộ, Ngành trung ương và Hà Nội; các đối tác của VCPMC và gần 300 tác giả thành viên. Đây cũng là buổi gặp mặt thân mật - tri ân đối với sự hỗ trợ tích cực từ các đơn vị quản lý nhà nước là các Ban, Bộ ngành Trung ương, cơ quan chủ quản Hội Nhạc sĩ Việt Nam, các đối tác và đặc biệt là các tác giả thành viên đã đồng hành cùng VCPMC trong suốt 21 năm qua.

dsc-7666-1705671382.JPG
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên Hiệp các Hội VHNT Việt Nam phát biểu. Ảnh Nguyễn Hà Phương

Tại hội nghị, VCPMC đã thẳng thắn nêu ra những khó khăn lớn nhất trong năm vừa qua liên quan đến tác quyền của nhiều show diễn nghệ thuật. Cụ thể, còn nhiều đơn vị tổ chức biểu diễn vẫn có tình trạng trì hoãn trả tiền bản quyền, lạm dụng cơ chế thỏa thuận để cố ý làm mờ nhạt đi quyền “độc quyền” của tác giả đã được pháp luật quy định cũng như né tránh nghĩa vụ thuộc về bên sử dụng, gây khó khăn, tốn kém về chi phí xử lý, thời gian và nhân lực của VCPMC. Điển hình một số vụ việc như ở show BlackPink, Mắt Biếc - Tình ca Ngô Thụy Miên, BamBam The 1st World Tour Area 52, Mây Sài Gòn, Mây Lang Thang (Đà Lạt, Hà Nội), Lululola…

Bên cạnh đó, các lĩnh vực kinh doanh dịch vụ nhà hàng, cà phê, khách sạn, đơn vị truyền hình trả tiền chưa thực hiện nghĩa vụ, chậm trễ việc thỏa thuận trả tiền và gây khó khăn cho VCPMC, thậm chí chưa thống nhất việc áp dụng Biểu mức quy định tại Phụ lục I của Nghị định số 17/2023/NĐ-CP để thực hiện nghĩa vụ trả tiền bản quyền.

VCPMC cho biết, trong năm 2023, lĩnh vực phát sóng vẫn là một trong những lĩnh vực có tỉ trọng thấp nhất trong tổng nguồn thu của VCPMC. Cụ thể, trong 02 năm gần đây tỉ trọng đều ở khoảng 1,5% đến 03%. Trong năm 2023, VCPMC đã thực hiện 4 kỳ phân phối, chi trả đến các chủ sở hữu quyền tác giả với số tiền phân phối là: 305.881.305.835 đồng, tăng 90% so với năm 2022

Phát biểu tại lễ tổng kết, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cho rằng cần mở rộng hơn nữa hoạt động của VCPMC để bảo vệ những lợi ích chính đáng của các nghệ sĩ Việt Nam, góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn học nghệ thuật. Đồng thời, cần mở rộng ra các lĩnh vực khác như điện ảnh, văn học, VCPMC nên là đơn vị tiên phong, mở ra chương mới trong bảo vệ tác quyền tác giả trong kỷ nguyên số bùng nổ, đã và đang đe dọa bản quyền tác giả.

Hiện VCPMC đã lên kế hoạch hoạt động trong năm 2024, tiếp tục rà soát, nghiên cứu các quy định mới được sửa đổi, bổ sung của Luật Sở hữu trí tuệ, Nghị định số 17/2023/NĐ-CP ngày 26/4/2023 của Chính phủ nhằm từng bước triển khai, điều chỉnh, hoàn thiện các mặt hoạt động của VCPMC cho phù hợp với quy định mới, cụ thể trong công việc cấp phép sử dụng quyền tác giả, ký hợp đồng ủy quyền, xây dựng biểu mức tiền bản quyền, tổ chức bộ máy, nhân sự, quản lý nội bộ…Trước mắt, đơn vị sẽ đẩy mạnh cập nhật dữ liệu tác giả - tác phẩm trên hệ thống lưu trữ, đối soát và phân phối, hội cũng tích cuwch cập nhật dữ liệu tra cứu thông tin tác giả - tác phẩm trên website của VCPMC.

Nguyễn Hà Phương