Cổ tích Việt Nam về Chú lính chì thời hiện tại

Khai bút đầu Xuân, xin kể chuyện đã qua. Có hơi hướng cổ tích, nhưng chất liệu lại rất mới. Chuyện chú lính chì thời hiện tại dù chú đã đi rất xa, nhưng những ký ức về chú vẫn còn ở lại mãi mãi với cuộc đời này.

Chú lính chì và những vòng xe lăn đến trường

…Vậy là bạn Nguyễn Minh Châu, cậu sinh viên khuyết tật ấy đã đi xa. Sau bao ngày chống chọi với bệnh tật, với nghịch cảnh tàn nhẫn, em đã vĩnh viễn xa lìa trần thế. Châu sinh năm 2004, và em nhắm mắt lìa đời, ở tuổi đôi mươi. Độ tuổi thật đẹp với biết bao người, nhưng với Minh Châu, 20 năm qua, căn bệnh quái ác (nhuyễn xương bẩm sinh đến loãng xương) đã khiến bạn tồn tại ở cõi đời này gắn liền với biết bao vòng xe lăn. Không thể đi đứng được, Minh Châu không có được một cuộc sống bình thường.

“Lần đầu tiên gặp em ấy, khi được bố mẹ đưa đến trường, (bố mẹ Minh Châu cũng là đồng nghiệp của chúng tôi – những nhà báo hoạt động ở địa bàn Đà Nẵng và Miền Trung – T.N), tôi đã rất xốn xang. Hỏi và biết câu chuyện càng đau lòng hơn. Biết bao nhiêu năm qua, hy sinh của bố mẹ Minh Châu, cố gắng dành mọi điều tốt đẹp nhất cho em ấy, là vô bờ bến. Tôi quyết định đặc cách tuyển sinh, Minh Châu sẽ là sinh viên khoa Công nghệ thông tin. Trường cũng sẽ tặng học bổng toàn phần cho em suốt 4 năm học. Ngay vào thời điểm ấy (2022), tôi đã nghĩ đến những việc sẽ làm và phải làm. Tất cả như một bù đắp sao cho công bằng với em ấy, bố mẹ em ấy”, TS.Nguyễn Thị Anh Đào – Hiệu trưởng trường Đại học Đông Á ngậm ngùi chia sẻ.

Chú lính chì – Sinh viên Nguyễn Minh Châu giới thiệu bức thư viết về “Người hùng” của mình: Hoa hậu hoàn vũ H’Hen Niê.

Theo gửi gắm của Cô Hiệu trưởng, ThS. Lương Đình Huệ - Trưởng phòng Quản lý cơ sở vật chất và Đầu tư (trường Đại học Đông Á), đã trực tiếp khảo sát và làm một lối đi đặc biệt cho Minh Châu từ sân trường lên tận phòng học. Các cô chú, các anh chị là nhân viên bảo vệ, nhân viên văn phòng được lưu ý khi Minh Châu cần hỗ trợ, chẳng hạn vào – ra thang máy, thì luôn sẵn sàng đáp ứng. Phần còn lại, đã có “bạn bè cùng lớp lo”.

Ngày này, qua ngày khác, tình yêu thương đã bồi đắp cho Minh Châu nhiều niềm tin và cảm xúc. “Bạn ấy bảo rằng, bạn ấy thích đi học lắm. Vì đến trường, bạn ấy nhận được được nhiều yêu thương như lúc ở nhà …” – một sinh viên cũng lớp nhớ lại. Với lối đi này, Châu đến lớp cùng học, cùng chơi với các bạn. Không có gì là ngỡ ngàng, e ngại, mặc cảm. Buổi đầu vào lớp, Châu được cả lớp chào đón như một người bạn mới bình thường, thậm chí còn được quan tâm, chia sẻ nhiều hơn, được yêu thương nhiều hơn tất cả …

“Có hôm, bằng lối đi của mình, Châu ra sân trường, thỏa thích khám phá. Với một sinh viên khuyết tật, thế giới chung quanh em, có quá nhiều điều để em ngắm nhìn, tìm hiểu, … Tôi lặng thầm theo dõi, quan sát … Tự nhủ rằng, nếu em cần điều gì nữa, tôi và tập thể Trường cũng luôn sẵn lòng, bù đắp đủ đầy cho em. Tạo hóa có khi đã quá bất công với Châu, và những người “trọn vẹn” như chúng ta, có trách nhiệm bồi đắp phần thua thiệt ấy”, Cô Hiệu trưởng bộc bạch.

Thương con, dốc hết mọi tiền của có được, thậm chí là vay mượn để điều trị cho con, chỉ mong con có thể đi hết hành trình của giảng đường; nay thấy nhà trường dành cho em sự quan tâm chăm sóc đặc biệt, tình yêu thương bố mẹ của Minh Châu cũng dâng trào theo. Gia đình dọn đến ở một nơi gần trường, tiện cho việc học của chú lính chì

Người hùng đã truyền cảm hứng đến chú lính chì …

Mùa khai giảng năm học 2022-2023, là một mùa khai giảng vô cùng đặc biệt: Lễ khai giảng trực tiếp đầu tiên được tổ chức, sau 2 năm “im ắng” (do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19). Lãnh đạo Đại học Đông Á chia sẻ rằng, “đó là 2 năm đầy biến động. Thầy và trò trường chúng tôi, cũng như thầy trò ở hầu hết các ngôi trường trên thế giới, đều phải đóng cửa học đường, giảng đường, đình chỉ tất cả các hoạt động trực tiếp, chuyển sang trực tuyến, kể cả những buổi lễ khai giảng trang trọng, khởi đầu cho khóa học mới của đời người”.

Thêm một “đặc biệt” khác thường: Toàn trường Đại học Đông Á lan truyền với nhau bức thư của một sinh viên khuyết tật, viết về Hoa hậu Hoàn vũ (2017) H’Hen Niê – Vẻ đẹp Việt mới đây được vinh danh là “Niềm tự hào của Đông Nam Á” trên Fanpage chính thức của ASEAN. Trước đó, Người đẹp Tây nguyên này cũng đã nhận 2 danh hiệu lớn: "Công dân trẻ tiêu biểu Thành phố Hồ Chí Minh - 2021", "Nghệ sĩ vì cộng đồng – 2023".

H’Hen Niê đã “làm việc không biết mệt suốt nhiều năm qua sau khi đăng quang. Cô miệt mài, chăm chỉ dành trọn trái tim nhiệt huyết cho cộng đồng. Qua mạng xã hội, cô trân trọng lan toả, chia sẻ liên tục những giá trị tích cực, thông tin tràn đầy lạc quan, trao động lực và niềm tin. Những nỗ lực đầy ắp tình nhân ái ấy của H’Hen Niê, đã trở thành ngọn nguồn cảm hứng, là chất liệu để cậu học sinh trung học Nguyễn Minh Châu, quyết định tham dự cuộc thi viết thư quốc tế (Liên minh Bưu chính Thế giới-UPU) phát động (lần thứ 48 năm 2019) có chủ đề "Hãy viết một bức thư về người hùng của em" (Write a letter about your hero).

"Đây là một chủ đề mở, khơi gợi nhiều tư duy sáng tạo, nhiều suy nghĩ và cảm xúc đối với mỗi thí sinh. Trong mỗi con người, mỗi một bạn trẻ đều có sự hiện hữu, tình cảm yêu quý và ngưỡng mộ đối với một người hùng của riêng mình", Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Nguyễn Minh Hồng nhấn mạnh. Với Minh Châu, sự lựa chọn duy nhất “về người hùng” là Hoa hậu Hoàn vũ H’Hen Niê.

(từ trái sang): TS.Nguyễn Thị Anh Đào – Hiệu trưởng trường Đại học Đông Á; Chú lính chì dũng cảm trên chiếc xe lăn Nguyễn Minh Châu và Hoa hậu Hoàn vũ H’Hen Niê.

Và một câu chuyện được lan truyền tiếp theo khiến ai cũng vô vàn xúc động, đó là cuộc hội ngộ đầy bất ngờ giữa “người hùng của sự nỗ lực vượt lên số phận” (Chị H’Hen Niê), “từ buôn làng chạm tay tới chiếc vương miện Hoa hậu Hoàn Vũ Việt Nam và vươn đến top 5 Hoa hậu Hoàn Vũ thế giới”; nổi tiếng với thông điệp: ”Khi bạn còn nỗ lực và vẫn đang miệt mài phấn đấu, không điều gì là không thể !”, đã truyền cảm hứng cho “một người khuyết tật vận động, phải ngồi xe lăn từ bé (bạn Nguyễn Minh Châu), ở ngay trên cùng một không gian, ở thời khắc vô cùng ý nghĩa: Những ngày đầu tiên ở chặng đường đại học của chú lính chì.

Hành trình của câu chuyện truyền cảm hứng có sức lan tỏa trở nên quá đặc biệt. Cả 2 con người xứng đáng được khâm phục, ngưỡng mộ, bởi đã làm rạng danh những giá trị tốt đẹp, làm điều THIỆN sáng lên như gương soi cho giới trẻ, cuối cùng đã gặp được nhau trong một không gian sôi nổi rồi nhanh chóng tĩnh lặng. Từ các hàng ghế, mọi người chứng kiến đã lặng đi, xúc cảm đã thật sự chạm đến trái tim trắc ẩn, có những phút giây “không thể thốt nên lời”. Chỉ còn sự khâm phục, ngưỡng mộ. Mọi rung cảm đã len lõi vào nơi sâu nhất.

Có 2 danh hiệu – phần thưởng được trao: Ban Giám hiệu Đại học Đông Á đã quyết định trao danh hiệu Đại sứ Hoa Anh Đào đến Hoa hậu H’Hen Niê, trân trọng ghi nhận hành trình vượt mọi cản ngại, vượt lên nghịch cảnh của cô và truyền dẫn cảm hứng đến sinh viên, đến toàn trường. Và suất học bổng toàn phần đầu tiên của năm học mới, được trao cho chú lính chì dũng cảm trên chiếc xe lăn.

Gửi lại thân xác cho khoa học y sinh

Hành trình của những câu chuyện truyền cảm hứng, có những bất ngờ đến kỳ diệu. Như những đợt sóng, lan xa, lan rộng, đi vào tận máu thịt, thôi thúc giới trẻ bảo vệ những giá trị tốt đẹp. Và chính người đã lan truyền cảm xúc ấy, cũng chọn cho mình một nghĩa cử dâng hiến cao đẹp.

Ở vào thời điểm biết mình không còn sống được bao ngày nữa, sinh viên Nguyễn Minh Châu đã quyết định hiến tặng thân xác mình cho Y học. Bạn đã trở thành người khuyết tật đầu tiên, sinh viên chuyên ngành công nghệ thông tin đầu tiên, hiến tặng thi thể cho mục đích giảng dạy, thực hành và nghiên cứu của khoa học y sinh.

Nguyễn Minh Châu xứng đáng là một trang hiệp sỹ với tấm lòng thượng võ, sẵn sàng xả thân, có chết đi vẫn còn làm được việc gì đó, góp phần “cứu nhân, độ thế”. Một hình mẫu lý tưởng, không chỉ có trong nghệ thuật, hay những nền văn minh đã xa. Trong hiện tại gần gũi, điều ấy vẫn hiện hữu. Một trong những tấm gương của đức hy sinh. Thầy Cô và gia đình cũng yêu quý tặng danh hiệu mà Minh Châu xứng đáng có: “Sinh viên giỏi, có nghị lực phi thường và tấm lòng cao cả”.

Vĩnh biệt Minh Châu – cậu học trò kém may mắn – nhưng luôn là chú lính chì” dũng cảm trên chiếc xe lăn đến học đường, đến giảng đường, đã có đến 12 năm liên tục đạt học lực khá giỏi, còn xuất sắc giành được điểm tiếng Anh 5.5 IELTS; trường Đại học Đông Á đã quyết định trao bằng Kỹ sư danh dự ngành Công nghệ thông tin cho em. Trước gia đình, người thân, các thầy cô và sinh viên, trước di ảnh của em, Hiệu trưởng Đại học Đông Á – TS. Nguyễn Thị Anh Đào đã công bố bằng Kỹ sư danh dự, Giấy khen và Thư tiễn biệt…

Bằng kỹ sư danh dự dành cho sinh viên Nguyễn Minh Châu.

Đại diện trường Đại học Phan Châu Trinh (giữa) đón nhận đơn tự nguyện hiến thi hài.

Đây là bằng kỹ sư danh dự đầu tiên được Đại học Đông Á trao cho sinh viên, ghi nhận “Kết quả học tập học kỳ đầu, kế hoạch xây dựng con đường thành công trong 4 năm đại học trở thành Kỹ sư thiết kế đồ họa, nghiên cứu nguyên lý thị giác, điện ảnh và tạo ra sản phẩm phần mềm văn hóa và lịch sử Việt Nam, và cao cả hơn là quyết định hiến xác cho y học để tạ ơn cuộc đời khi em thấy mình không còn khỏe nữa”.

Trong Thư tiễn sinh viên Minh Châu”, Hiệu trưởng trường Đại học Đông Á viết: “Ông Trời không kịp cho Minh Châu một sức khoẻ như bạn bè cùng trang lứa, nhưng đã bù cho em có một nghị lực phi thường... Đang mải mê nỗ lực học tập cùng nghị lực, theo đuổi ước mơ trở thành một kỹ sư công nghệ thông tin, chuyên ngành thiết kế đồ, Minh Châu quyết định hiến xác cho y học, khi thấy mình không còn khoẻ, bỏ lại ước mơ dang dở”.

Làm tròn ước nguyện của con, ngay tại tang lễ, gia đình Minh Châu đã cùng nhau điền vào đơn tự nguyện hiến thi hài, hoàn thành di nguyện hiến xác cho y học cao đẹp, mà Minh Châu mong muốn thực hiện sau khi nhắm mắt. Thi hài của Minh Châu được đưa đến trường Đại học Phan Châu Trinh , phục vụ cho mục đích nghiên cứu và phát triển y học.

“Nguyễn Minh Châu trở thành một hình mẫu quá đặc biệt về văn hóa trách nhiệm của người Đại học Đông Á. Chúng tôi sẽ xin phép gia đình em, trước khi dựng tượng Minh Châu trong sân vườn nhà trường. Minh Châu như vẫn đến trường, vẫn muốn lan tỏa câu chuyện truyền cảm hứng về nghị lực , về khát vọng cống hiến.

Chúng tôi thầm nghĩ tấm gương của em sẽ làm thay đổi, sẽ khích lệ những nỗ lực kiên trì phấn đấu và dâng tặng cuộc đời những giá trị đẹp của nhiều thế hệ sinh viên trường chúng tôi nói riêng, nhiều học sinh, sinh viên nói chung. Một sinh viên chuyên ngành thiết kế đồ họa, trước lúc xuôi tay theo số phận, quyết định hiến xác cho y học. Một nghĩa cử phi thường, một tấm gương mà hậu thế học hỏi được bao điều. Hãy cho đi những gì có thể, để cuộc sống mãi mãi tốt đẹp hơn. Minh Châu đã làm một việc mà không phải ai cũng dám nghĩ, dám làm” – Cô hiệu trưởng Nguyễn Thị Anh Đào bồi hồi bày tỏ./.

Trần Ngọc