Chợ cổ Tết xưa - ghi chép của Minh Ý

Minh Ý

Cậu bạn văn sĩ của tôi bảo, chợ Nủa (Thạch Thất, Hà Nội) là cái chợ đặc biệt nhất mà cậu từng biết. Nó đặc biệt vì là một cái chợ cổ họp trên miền quê cổ. Lại còn từng duy trì cái tục lạ lùng: “gái hăm hai, trai hăm bảy”. Tức là đàn bà, phụ nữ thì đi chợ ngày hai (các ngày 2, 12, 22) hàng tháng, đàn ông thì đi phiên ngày bảy (các ngày 7, 17, 27) hàng tháng. Chính vì chợ chỉ họp các ngày 2 và 7, nên chợ Tết, ngày 27, phiên chợ cuối cùng của năm, là phiên chợ dành cho các quý ông.

Nói đến việc đàn ông đi chợ và phiên chợ dành riêng cho đàn ông, tôi lại nhớ đến ông bác rể. Tôi chưa gặp ông bao giờ, bởi ông mất khi tôi còn chưa chào đời. Tuy vậy, trong các câu chuyện gia đình sau này, tên ông vẫn được mọi người nhắc nhớ. Bà bác tôi bảo ông là người chăm chỉ, có duyên với nghề chạy chợ. Khoảng những năm 50 của thế kỷ hai mươi, đàn ông giỏi chợ búa không phải nhiều, và vì tàn dư của quan niệm cũ, nên các ông tin rằng đàn ông “đại trượng phu” là chỉ lo việc nhớn trong thiên hạ, việc cứu nước, trừ gian, còn ruộng đồng chợ búa bếp núc dành cho đàn bà.

blossoms-8263945-1280-1707233689.jpg

Bà bác tôi khi ấy vừa mười tám, nhan sắc hơn người, lại là con gái của cụ Đồ cả vùng kính nể, nên khi biết mình sẽ được gả cho một anh chạy chợ, vì lời hứa sẽ gả con cho nhau của hai ông cụ thân sinh, thì bà buồn khổ lắm. Một buổi chiều, khi cùng em trai đi ra đồng tát nước cho lúa, bà rủ cậu em băng qua cánh đồng, bơi qua sông sang làng bên, đứng trên ngọn đồi hướng về ngôi nhà của đức ông chồng được chỉ định, bắc loa tay gọi to: “Bớ anh Ba, đừng đem trầu cau đến hỏi, tôi không lấy anh đâu…”

Ngày trước, mỗi khi nhà có giỗ chạp, thì thường phải chờ phiên chợ mới có thể mua được thực phẩm về làm cỗ, nên các đám giỗ thường được tính lui hay tiến vào đúng ngày chợ phiên. Những cái chợ phiên ấy ngày nay vẫn đang họp, vẫn trên mảnh đất ấy, vẫn vào những ngày đã quy định. Nếu tính thời gian suốt dọc đời người như bà bác tôi, thì ít nhất chợ phiên quê tôi cũng phải trên trăm tuổi. Trên thực tế còn nhiều hơn thế rất nhiều. Nó là một phiên chợ cổ, từng chứng kiến bao ly loạn hợp tan của mảnh đất, con người xứ này. Có những người, từ khi sinh ra cho đến hết cuộc đời vẫn chỉ gắn bó với cái chợ quê ấy. Cái chợ quê “bán thứ quà quê”, vừa rẻ vừa rất thân tình, ít hơi hướm của thị trường bạc bẽo.

Chợ cổ, hai từ ấy gây cho tôi một ám ảnh hơn là tò mò. Không phải tôi bị nhiễm tư tưởng hoài cổ từ những trang sách mình đọc từ thuở bé, mà vì chợ cổ mang vẻ đẹp văn hóa rất đa dạng và đặc sắc. Một phiên chợ diễn ra, ngoài những bán mua ồn ào, là tiếng mặc cả, chào hỏi, hay tiếng loa rao hàng lảnh lót vừa khéo léo, bắt tai vừa thực dụng của những tay buôn quần áo, đồ gia dụng, đồ làm bếp. Lạ lắm, những hàng gia dụng luôn thu hút những người phụ nữ. Có lẽ khi đã làm chủ một căn bếp, lo bữa cơm cho chồng con, thì việc ngắm nghía lựa chọn những vật dụng làm bếp trở thành một cái gì đó rất “bản năng đàn bà”. Hay việc bày bán những món hàng, mà không phải bán, đơn giản chỉ là quảng cáo nghề nghiệp. Tôi nhớ phiên chợ cổ ở quê ngoại vùng cửa biển của tôi. Ở đó, tôi ngạc nhiên khi thấy một thúng toàn...răng người. Tôi tưởng người ta bán răng để làm việc gì đấy, nhưng đó chỉ là cách một người đàn ông thông báo rằng ông ta nhận việc nhổ răng, và số răng trong thúng kia là số răng ông đã nhổ cho khách. Qủa vậy, khi tôi lượn một vòng quanh chợ, thì ông ấy đã rất bận rộn với một nhóm các cháu nhỏ có răng lung lay đang xếp hàng đợi đến lượt.

Còn về chợ Nủa. Chợ Nủa có gì?

Cậu bạn tôi bảo, đối với một người xa quê từ nhỏ như cậu, thì mỗi dịp cuối năm, khi theo bố mẹ về quê ăn Tết, điều cậu háo hức mong chờ nhất chính là đi chợ Nủa. Cậu là người mê đọc, và khao khát sách báo như người say rượu khát nước. Mà ở chợ Nủa, người ta bày bán sách báo cũ, cậu tha hồ chọn lựa và mặc cả. Nhiều cuốn sách quý mà cậu có được là từ nơi đây.

Chợ cổ Tết xưa ở đây có lẽ đậm nét nhất. Ngoài đào, mai, cúc, quất, hoa trái Tết như bao phiên chợ khác, thì những phiên chợ cuối cùng của năm ở đây đông hơn gấp nhiều lần các phiên thường, không phải sức mua tăng sức bán cũng tăng, mà vì sự “trương nở” của người đi chơi chợ. Người ta có thú vui là cả nhà, gồm những gia đình nhỏ, nhiều khi cả ba, bốn thế hệ như ông bà, vợ chồng, con cái, cháu chắt cùng đi chợ Tết. Sau khi dạo một vòng quanh ngắm hàng Tết, họ cùng nhau vào một quán ăn giữa chợ, ăn bát bún ốc, bún riêu, hay đĩa bánh đúc chấm tương dân dã quê mùa. Họ ăn rất nhanh, để còn nhường chỗ cho những người khác, những gia đình khác. Điều thú vị này còn duy trì đến ngày nay. Và khi đi chợ Nủa, một phiên thường chứ không phải phiên chợ Tết, tôi đã thấy già trẻ trai gái rủ nhau đi “ăn hàng” chợ rất rộn ràng, ít có phiên chợ nào có được.

Những tục cũ nếp xưa của một phiên chợ cổ đã phai phôi rất nhiều. Có lẽ phải là việc sống cách ly hẳn khỏi một cộng đồng lớn như hiện nay thì may ra người ta mới giữ được những nét xưa, dù giá trị về văn hóa là rất lớn. Ở nước Tây Ban Nha, trong những hẻm núi vùng Tây Bắc, trên những sườn núi Ancares, những palloza (nhà cổ) có từ hàng thế kỷ cũng đang phải đối mặt với việc bị xóa sổ, do không kháng cự được với sự thay đổi chóng mặt của thời đại mới. Người ta có tiếc không? Có chứ. Những ngôi nhà cổ có kiến trúc hài hòa với thiên nhiên như vậy đâu phải một sớm chiều mà có được. Ta không thể không biết đến những làng cổ, nhà cổ ở nước mình. Để gìn giữ được cho đời sau những ngôi nhà có kiến trúc cổ xưa, xây dựng từ xa xưa, không phải là chuyện dễ dàng. Nó còn phải gắn với quyền lợi, cuộc sống của chủ nhân những ngôi nhà ấy. Tôi có quen một người đàn ông đã dành nhiều tâm sức để giữ gìn ngôi nhà cổ của gia đình, dù ngôi làng cổ của anh ta chẳng còn một ngôi nhà cổ thứ hai nào. Nhưng sẽ còn không nếu anh nghèo, vì thực tế anh rất giàu. Anh làm giàu, và lấy một phần của sự giàu có để nuôi dưỡng ngôi nhà cổ của mình. Thì với một cái chợ cổ, việc duy trì tập tục, văn hóa riêng, e rằng khó có thể kéo dài được lâu.

apricot-blossom-3991122-1280-1707233361.jpg

Mùa hè năm 2010, tôi có dịp may đến phiên chợ trong phố cổ Đồng Văn, Hà Giang. Khi đó tôi không biết rằng đó là một trong những phiên chợ cuối cùng được tổ chức tại phố cổ. Chợ cổ Đồng Văn khi ấy gồm 3 dãy nhà chợ xếp thành hình chữ U, lợp ngói âm dương, trụ là những cột đá lớn dầy 3,4 người ôm, được đục đẽo kỳ công dưới những bàn tay con người. Tại phiên chợ cổ vùng cao ấy, tôi đã thấy những người phụ nữ Mông xòe ô ngồi bên đường chờ chồng tỉnh rượu rồi mới cùng nhau về nhà. Tôi đã thấy những người phụ nữ Mông vừa tước lanh vừa uống rượu đến say mèm, hay một ông chồng trong bộ tà phủ đen chệnh choạng từng bước chân nhờ tay vợ dắt. Những điều đó dĩ nhiên không chỉ chợ phiên Đồng Văn mới có. Đó là hình ảnh phổ biến ở những phiên chợ vùng cao. Nhưng khi chợ cổ Đồng Văn phải di dời khỏi phố cổ, thì không rõ những người buôn bán ở đó, hay người bản địa có nuối tiếc, nhưng với du khách, với những người yêu văn hóa truyền thống, họ tiếc nuối xót xa như phải chia tay người tình tha thiết nặng sâu.

Chợ Nủa bây giờ không còn chia đàn bà ngày hai đàn ông ngày bảy, mà ai cũng có thể đến khi chợ họp. Việc có tục ấy, nhiều người lớn tuổi ở đây cũng không được biết, hoặc họ có nghe các cụ nói lại như thế, còn vì sao lại có sự phân tách lạ lùng ấy thì không ai biết, có lẽ không một ai có thể biết được. Nhưng nếu có ai đó muốn tìm kiếm những nét xưa thôn dã, có thể đến nơi này. Ở một góc nhỏ ít xôn xao, ta có thể thấy những hàng tre đan thủ công với những vật dụng đã mỗi ngày một khan hiếm và biến mất, như những cái nơm, cái đó, cái giỏ hay rổ rá, kể cả những chiếc rế kê nồi. Tất cả đều được chuốt đan rất tinh tế, nghệ thuật, vẫn được chủ hàng cần mẫn bày bán ở mỗi phiên chợ, dù chúng ít có cơ hội được chọn mua về.

Ngắm những vật dụng đang miên man trôi về quá vãng ấy, tôi nghĩ đến ông bác rể có tài chạy chợ ngày xưa. Hôm ấy, khi bác tôi đứng trên đồi bắc loa tay từ hôn, đã không nhận được hồi đáp. Có thể hôm ấy nhà chồng tương lai không có ai ở nhà, hay có người nhưng không nghe thấy, hoặc vờ không nghe thấy. Mối duyên ép uổng ấy cũng chấp chới vài năm mới nảy nở tình yêu. Và hạnh phúc được đắp bồi bởi những nhọc nhằn từ những phiên chợ.

Minh Ý