Cam lòng vàng Cao Phong

Phạm Thanh Thúy - Ghi chép

Cao Phong thuộc tỉnh Hòa Bình có nhiều xã mang tên Phong: Tây Phong, Thu Phong, Nam Phong, Đông Phong, Dũng Phong… Vùng đất này nằm trên cánh đồng Mường Thàng mênh mông, xưa hoang vu heo hút, nay ngọt ngào những mùa cam, vụ mía. Những thức quà ngọt ngào này mang thương hiệu Cao Phong.

Những ngày này, nói đến cam, người ta lại nhắc đến cam Cao Phong. Vậy cam xứ này có gì khác, và làm thế nào để phân biệt nó với cam từ những vùng cam nổi tiếng khác cũng đang rộ? Nhà báo Ngô Quang Hưng, một người đã gắn bó với Hòa Bình từ những năm còn chưa tách tỉnh Hà Sơn Bình, và từng là chính khách, đã khẳng định: “Người ta nói cam nơi này nơi kia ngon nổi tiếng là vì họ chưa được thưởng thức cam Cao Phong. Khi đã thưởng thức rồi, trong lòng họ sẽ không còn cam nơi khác.”

Đứng giữa vườn cam với đủ các loại được phân lô: Cam tròn lòng vàng, cam V2, cam canh… du khách dễ bị choáng ngợp. Choáng vì những cành cam ken dày trĩu quả, một số đã cuối vụ, một số khác đang chờ kỳ thu hoạch vào dịp Tết Nguyên đán. Choáng vì mênh mang những cườn cam bạt ngàn trong một cánh đồng mênh mông, xen lẫn những trái núi thẫm màu lam chiều đầu đông nắng vàng như rót mật. Chủ vườn hồ hởi hái những trái cam vàng mọng vừa một nắm tay đóng thùng giao cho khách, khách được mời thưởng thức cam thơm ngọt tại vườn. Có thể ăn đến khi chán. Mà cam xứ này khó chán, chỉ có thể no bụng mà thôi.

cam-long-vang-1703920994.jpg
Đặc sản cam lòng vàng Cao Phong (Ảnh internet)

Chuyện rằng ngày xa, rất xa rồi, cam Cao Phong chua lắm. Vậy tại sao vẫn trên mảnh đất ấy, bây giờ cam Cao Phong thơm ngọt đã trở thành thương hiệu? Phải chăng, hoặc đúng là: Ngoài việc cải tiến giống cây, phương thức canh tác, còn một điều quan trọng nữa là phải có tâm với đất. Có tâm với đất.

Lại chuyện rằng: Xưa khắp xứ Mường Thàng còn hoang vu mà hứa hẹn những vụ mùa no ấm. Một bài toán khó luôn chờ giải đáp: Trồng cây gì để nó có thể phát huy sức mạnh trù phú của đất?

Ban đầu người ta trồng dứa. Một nông trường dứa nhộn nhịp cấy trồng vun xới. Dứa hào phóng trao cho người trồng dứa những trái vàng căng mọng của đời cây. Nhưng rồi, không có cơ sở chế biến, tiêu thụ. Dứa cũng không trở thành loài quả ngọt đặc biệt hấp dẫn. Vì thế, cả nông trường dứa mênh mông tươi tốt thành hoang phế. Một loài cây công nghiệp khác được đề xuất: Chè. Và một nông trường chè lại phơi phới hát. Có ai biết rằng từ đây xuất hiện những xóm trồng chè của nữ công nhân từ khắp các miền đất nước, để rồi lại từ đây nhói đau những “xóm không chồng”. Nhưng chè không trụ lại được. Chất chè không thể sánh với chè từ các vùng chè nổi tiếng khác. Cây chè thoái lui, nhường chỗ cho trẩu, một loài cây mà người ta cho rằng sẽ tạo được bước đột phá, xuất khẩu chất ép từ quả trẩu làm nguyên liệu chế biến sơn. Và rồi, ngành công nghiệp sơn trên thế giới đã nhanh chóng tìm được những nguyên liệu mới, những cải tiến mới về công nghệ. Khát vọng làm giàu từ cây trẩu lại tan như mây khói.

Có thể nói, người ta từng đau đầu rất nhiều cho việc làm sao tìm được một loài cây trồng thích hợp để đem lại no ấm cho con người. Người ta cũng từng nghĩ về những nông trường dứa, chè xanh mát mênh mông, những biển hoa trẩu trắng ngút mắt, trinh khiết như tiên giới. Nhưng những thứ đó không phải sinh ra để thuộc về Cao Phong. Nhất định phải có thứ gì đó. Nhất định người ta sẽ tìm thấy.

Có lẽ nhiều người sẽ ngạc nhiên: Ngày nay, Cao Phong được biết đến là một vùng cam ngọt, mía ngọt. Nếu đã ăn cam Cao Phong chính hiệu, sẽ chỉ còn mong nhớ Cao Phong. Nếu đã ăn mía Cao Phong chính hiệu, sẽ chỉ còn nghĩ về mía Cao Phong. Thế nhưng, nhiều năm về trước, cả cam và mía đã bị chính mảnh đất này từ chối. Mía đã từng được trồng, nhưng mía không thể nổi danh, không ngọt không mềm, không thơm mát. Cam đã từng được trồng, nhưng cam chua, bởi đó là thứ cam dành cho việc xuất khẩu sang Liên Xô để lấy…vỏ chiết xuất tinh dầu. Nghĩa là, quả cam lúc bấy giờ chỉ được coi trọng phần vỏ, phần ruột đương nhiên chỉ đáng bỏ đi.

congviendisan-1703921156.jpg
Cam Cao Phong vào vụ (Ảnh: congviendisan.vn)

Có thể do cơ chế đã thay đổi. Người công nhân nông trường Cao Phong được giao đất. Họ không thể cam tâm đói nghèo trên một mảnh đất hứa hẹn bao tiềm năng kinh tế, nên đã tự thân vận động. Vẫn mảnh đất này, cây cam được chọn lọc khe khắt nhất về giống. Những cây cam ưu tú nhất được nhân giống đại trà. Đất được đối đãi tử tế. Mỗi vườn cam có tuổi đời mười lăm năm. Sau đó được trồng mới, rồi chăm sóc và thu hoạch. Để có được những vườn cam bạc tỉ như hôm nay, người trồng cam đã phải đối đãi với chính cây cam như đối đãi với người cha, người mẹ, người tình. Nâng niu, trân trọng xiết bao, mồ hôi nước mắt xiết bao…

Bây giờ, một câu hỏi được đặt ra? Nếu chỉ cần trọng thị cây trồng, có tâm với đất với vườn, thì vườn ấy cây ấy sẽ đem đến cho ta sự giàu có, sung túc? Câu trả lời là: Có, nhưng còn tùy duyên. Duyên ở đây là muốn nói đến đất Cao Phong, đến cánh đồng Mường Thàng mênh mông từng mướt xanh dứa, chè và trắng phau hoa trẩu. Cánh đồng Mường Thàng nằm trên đỉnh dốc Cun. Từ đỉnh dốc này trải ngút ngát về sau, độ cao càng chênh. Nhưng cao hơn nữa thì không được, thấp hơn nữa cũng không xong. Xứ này đạt một độ cao thích hợp để có một thứ khí hậu thích hợp cho cây cam. Thêm nữa, không gian nơi đây thấm đẫm hơi nước sông Đà xanh ngát. Nói cách khác, nó được ưu ái nằm bên bờ một dòng sông huyền thoại. Lại hỏi: Có nhiều mảnh đất đạt độ cao thích hợp và cũng nằm bên một dòng sông huyền thoại như sông Đà, sao lại chỉ có cam Cao Phong, mía Cao Phong là thơm ngọt?

Đất vườn cam dưới chân khách lạo xạo. Khách cúi nhìn từng lớp phân hóa học tròn xoay như những viên bi nho nhỏ trải lúc dày lúc nhạt. Lại có cảm giác không đúng. Khách cúi xuống vụm một ít những viên phân, mới ngạc nhiên: Không phải phân hóa học. Vậy thứ này là…

Sỏi bi. Một loại sỏi nhỏ, tròn và tương đối đều nhau, trông như những hạt lạc, ngô, đậu màu đen, xám xanh. Chủ vườn nói những viên sỏi này trước đây to hơn, và mỗi ngày một bào mòn, bé đi. Anh có cảm giác như mình nhìn thấy chúng hao mòn đi, theo mưa, theo nắng. Và món quà tuyệt diệu của tạo hóa cho cam Cao Phong chính là thứ sỏi này. Chủ vườn nói các nhà khoa học đã về đây nghiên cứu về đất, về cam, và có kết luận rằng chính loại sỏi chứa rất nhiều khoáng chất ấy đã tạo nên thương hiệu cam Cao Phong bây giờ.

Có thể đúng, hoặc chưa đúng lắm. Nhưng quan trọng là việc cam Cao Phong thơm ngọt khác biệt là có thật. Khắp dọc dài thị trấn Bưng, những cửa hàng chào bán cam Cao Phong và khách từ các chuyến xe khách Hà Nội - Sơn La - Điện Biên tấp nập ghé mua. Những thùng cacton in thương hiệu cam Cao Phong tíu tít được chuyền tay đưa đến những chân trời xa xôi làm quà thơm thảo. Vấn đề chỉ còn là người trồng cam xứ này làm sao để bảo vệ được thương hiệu, làm sao để đảm bảo được chất lượng cam xứ mình. Bây giờ, cam lòng vàng đã cuối vụ, và người ta đang chờ mùa Tết, khi cam canh chín đỏ cả cánh đồng bát ngát.

Phạm Thanh Thúy - Ghi chép