Bố cục và nội dung cơ bản của Luật di sản văn hóa (sửa đổi)

C.D.S

Sau 20 năm Luật Di sản văn hóa được ban hành và hơn 10 năm được sửa đổi, bổ sung, sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa đã và đang được Đảng, Nhà nước ta hết sức quan tâm, ngày càng được sự ủng hộ của đông đảo nhân dân ở khắp mọi miền đất nước. Nhờ đó, hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa ngày càng hiệu quả, nâng cao đời sống tinh thần và vật chất cho cộng đồng nơi có di sản hoặc nắm giữ/thực hành di sản, góp phần thu hút du lịch,… tạo thêm thế và lực cho sự phát....

Tuy nhiên, trước những yêu cầu và đòi hỏi cấp bách từ thực tế đang diễn ra, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa cũng dần bộc lộ một số hạn chế, bất cập cả về nội dung và hình thức trong từng lĩnh vực cụ thể. Do đó, việc tiếp tục sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa cùng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành là hết sức cần thiết để bắt kịp sự vận động và biến chuyển của xã hội, điều chỉnh, cụ thể hóa được những vấn đề còn vướng mắc, tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhất cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được giao chủ trì soạn thảo dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) và báo cáo Chính phủ để Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5 năm 2024) Quốc hội khóa XV, trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10 năm 2024).
Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) gồm 7 chương 97 điều, tăng 23 điều so với Luật Di sản văn hóa hiện hành (7 chương 74 điều), được sắp xếp, bố cục lại, cụ thể như sau:


(1) Chương I. Những quy định chung


Chương này gồm 8 điều, từ Điều 1 đến Điều 8, quy định về: Phạm vi điều chỉnh; Đối tượng áp dụng; Giải thích từ ngữ; Sở hữu di sản văn hóa; Quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; Nguyên tắc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; Chính sách của nhà nước về quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; Các hành vi nghiêm cấm. Luật đã mở rộng phạm vi điều chỉnh trên cơ sở gộp Điều 1 và Điều 2 của Luật Di sản văn hóa hiện hành, bổ sung thêm "di sản tư liệu", "quản lý" để đảm bảo đầy đủ, xuyên suốt các hoạt động trong lĩnh vực di sản văn hóa .
Chương này bổ sung giải thích các từ ngữ liên quan đến nội dung các quy định trong dự thảo Luật ở tất cả các lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, bảo tàng….


(2) Chương II. Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể


Chương này gồm 10 điều (từ Điều 9 đến Điều 18), quy định về các loại hình di sản văn hoá phi vật thể; Kiểm kê, ghi danh, truyền dạy; Các biện pháp bảo vệ và phát huy di sản văn hoá phi vật thể, chính sách của Nhà nước đối với việc nghiên cứu, sưu tầm và phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể. Quy định thực hiện chế độ báo cáo kiểm kê hàng năm; công bố Danh mục quốc gia di sản văn hóa phi vật thể. Quy định biện pháp xử lý đối với các trường hợp di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam sau khi được đưa vào các danh sách của UNESCO không thực hiện đúng Chương trình hành động bảo vệ di sản đã cam kết với UNESCO và quy định đưa ra khỏi Danh mục quốc gia di sản văn hóa phi vật thể. Bổ sung quy định liên quan đến loại hình Tập quán xã hội và tín ngưỡng. Quy định cụ thể về bảo vệ, phát huy di sản thuộc loại hình Ngữ văn dân gian, Tri thức dân gian, Tập quán xã hội và tín ngưỡng và Nghệ thuật trình diễn dân gian; chính sách khuyến khích việc sưu tầm, biên soạn, dịch thuật, thống kê, phân loại và lưu giữ các tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, ngữ văn truyền miệng.
Bổ sung các quy định tạo điều kiện để nghệ nhân, người thực hành có thể đóng góp hơn nữa vào hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của cộng đồng thông qua các hoạt động như: tôn vinh, hỗ trợ kinh phí thực hành, mở lớp truyền dạy,… hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các nhóm, câu lạc bộ, cộng đồng thực hành di sản văn hóa phi vật thể.


(3) Chương IV. Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể


Mục 1: “Di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh”, gồm 20 điều, từ Điều 19 đến Điều 38 trong đó, quy định rõ hơn những nội dung chủ yếu: Phân loại di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; Quy định về cấp xếp hạng di tích; Kiểm kê di tích; Tiêu chí xếp hạng di tích và các quy định về trình tự, thẩm quyền, thủ tục xếp hạng, hủy bỏ xếp hạng di tích; Lập hồ sơ để xếp hạng di tích, đề cử di sản thế giới; Bổ sung, hoàn thiện hồ sơ khoa học xếp hạng di tích; quy định rõ hơn các khu vực bảo vệ di tích và việc xác định điều chỉnh các khu vực bảo vệ di tích; Bảo vệ yếu tố gốc, cảnh quan môi trường - sinh thái của di tích và thực hiện xây dựng công trình, dự án trong các khu vực bảo vệ di tích; Khu vực bảo vệ di tích kiểm kê; Thẩm định dự án cải tạo, xây dựng các công trình nằm ngoài các khu vực bảo vệ di tích; Đưa thêm, di dời, thay đổi hiện vật trong di tích; Trách nhiệm của chủ sở hữu, trực tiếp quản lý di tích; Mô hình quản lý di tích; Bổ sung mới quy định về Thăm dò, khai quật khảo cổ; Quy hoạch khảo cổ; Thăm dò, khai quật di sản văn hóa dưới nước; Điều kiện thăm dò, khai quật khảo cổ; Quản lý, bảo vệ địa điểm khảo cổ, di vật khảo cổ và xử lý di vật, cổ vật thu được trong quá trình thăm dò, khai quật khảo cổ; Quản lý di vật, cổ vật thu được trong quá trình thăm dò, khai quật khảo cổ; Bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; Tu sửa cấp thiết, bảo quản định kỳ di tích...
Mục 2: Di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, gồm 14 điều từ Điều 39 đến Điều 52, trong đó, quy định những nội dung như: Tiếp nhận, quản lý di vật, cổ vật được phát hiện, giao nộp; bổ sung mới quy định về Giám định di vật, cổ vật với các nội dung về Cơ sở giám định và Tiêu chuẩn chuyên gia giám định di vật, cổ vật; Bảo vật quốc gia với các quy định cụ thể hơn về thẩm quyền, thủ tục công nhận bảo vật quốc gia, quy định về cấp bằng công nhận bảo vật quốc gia; Đăng ký di vật, cổ vật; Quản lý di vật, cổ vật; Sửa đổi bổ sung quy định về bảo vệ và phát huy giá trị di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia trong nhà truyền thống, nhà lưu niệm; Bổ sung quy định mới về Hoạt động mua bán di vật, cổ vật và hoạt động Bán đấu giá di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia; Bổ sung chi tiết quy định về hoạt động Bảo quản di vật, cổ vật; Đưa di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia đi trưng bày, nghiên cứu hoặc bảo quản có thời hạn ở trong nước và nước ngoài với các quy định cụ thể hơn trong các trường hợp đưa di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia đi nước ngoài; Bổ sung nội dung quy định về Mua và đưa di vật, cổ vật có nguồn gốc Việt Nam từ nước ngoài về nước bảo đảm công tác quản lý nhà nước trong việc chủ động hồi hương cổ vật có giá trị của Việt Nam từ nước ngoài về nước; Xử lý di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia tịch thu được do tìm kiếm, mua bán, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu trái phép; Bổ sung nội dung quy định về Chuyển giao và Thanh lý, hủy di vật, cổ vật, quy định rõ ràng hơn trong quản lý di vật, cổ vật, phù hợp với hoạt động thực tế của bảo tàng, di tích và các cơ quan quản lý di vật, cổ vật; Bản sao di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.


(4) Chương IV. Bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu


Đây là Chương mới đưa vào Dự thảo Luật để đảm bảo sự thống nhất quản lý nhà nước về di sản văn hóa, bao gồm 11 điều từ Điều 53 đến Điều 63, với các nội dung quy định về: Phân loại di sản tư liệu; Kiểm kê, Ghi danh di sản tư liệu vào Danh mục quốc gia và UNESCO; Trình tự, thủ tục, thẩm quyền quyết định đưa Di sản tư liệu đã được ghi danh ra khỏi Danh mục quốc gia và Danh mục di sản tư liệu của UNESCO. Nguyên tắc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu sau khi được ghi danh; Bảo quản; Bản sao; Đưa di sản tư liệu sau khi được ghi danh đi trưng bày, nghiên cứu hoặc bảo quản ở trong nước, nước ngoài và từ nước ngoài về nước Quyền và trách nhiệm của các chủ sở hữu trực tiếp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu...


(5) Chương V. Bảo tàng


Đây là chương mới, tách ra từ Mục 3 Chương IV Luật Di sản văn hóa hiện hành, gồm 8 điều, từ Điều 64 đến Điều 71. Các nội dung có kế thừa và điều chỉnh, bổ sung, quy định cụ thể hơn để tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động bảo tàng bao gồm mạng lưới bảo tàng Việt Nam và điều kiện, thẩm quyền, trình tư, thủ tục thành lập, cấp giấy phép hoạt động bảo tàng, với các nội những nội dung chủ yếu là: Mạng lưới bảo tàng Việt Nam; Nhiệm vụ của bảo tàng; Điều kiện để thành lập bảo tàng công lập và cấp phép hoạt động bảo tàng ngoài công lập; Dự án xây dựng, cải tạo, nâng cấp công trình kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật và trưng bày trong nhà, ngoài trời của bảo tàng công lập; Thẩm quyền, trình tự, thủ tục thành lập bảo tàng công lập và cấp, thu hồi, cấp đổi, cấp bổ sung giấy phép hoạt động bảo tàng ngoài công; Giải thể bảo tàng công lập; Xếp hạng, xếp lại hạng bảo tàng công lập; Tiêu chuẩn xếp hạng bảo tàng; Thẩm quyền, trình tự, thủ tục xếp hạng, xếp lại hạng bảo tàng công lập.


(6) Chương VI. Điều kiện đảm bảo hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa


Chương này gồm 15 điều, từ Điều 72 đến Điều 86, thể hiện được những điểm mới trong luật, với những quy định để có thể thu hút được nhiều nguồn lực trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu, ứng dựng công nghệ, cụ thể như: Nguồn tài chính để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; Ngân sách nhà nước chi cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; Nguồn nhân lực quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá; Đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; Cơ sở dữ liệu số quốc gia về di sản văn hóa; Xây dựng và cập nhật cơ sở dữ liệu số về di sản văn hóa Việt Nam Quản lý cơ sở dữ liệu số về di sản văn hóa; Ứng dụng khoa học công nghệ thông tin; Tuyên truyền, quảng bá; Xã hội hóa trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; Khai thác sử dụng; Hợp tác công tư trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Hợp tác quốc tế về di sản văn hóa; Quỹ bảo tồn di sản văn hóa.


(7) Chương VII. Quản lý nhà nước về di sản văn hóa


Gồm các 9 điều, từ Điều 87 đến Điều 95, được chia làm 02 mục, quy định nội dung quản lý nhà nước về di sản văn hóa, cơ quan quản lý nhà nước về di sản văn hóa; Quy định trách nhiệm cụ thể về quản lý nhà nước về văn hóa của các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức, đơn vị về di sản văn hóa; Quy định về Thanh tra di sản văn hóa, Hoạt động kiểm tra về di sản văn hóa, khen thưởng và xử lý vi phạm.


(7) Chương VIII. Điều khoản thi hành


Bao gồm Điều 96. Hiệu lực thi hành và Điều 97. Áp dụng pháp luật và quy định chuyển tiếp.

C.D.S