" Nhớ con" của Vương Trọng. Lời bình của Nguyễn Thị Thiện

Nguyễn Thị Thiện

NHỚ CON

Vương Trọng

Mẹ nghề y nhiều đêm trực vắng nhà
Tròn một tuổi, gửi con về quê ngoại
Quê ngoại con là quê mẹ đấy
Sao bây giờ mẹ thấy xa xôi


Một con đường mờ mịt mưa rơi
Một con đường gió mùa nào cũng ngược
Một chuyến phà, người chờ hai bờ nước
Chiếc cầu phao, sóng nổi bồng bềnh


Con xa rồi, mẹ thức với mông mênh
Quờ cánh tay thấy giường chiếu rộng
Võng cởi rồi, còn dây buộc võng
Tiếng à ơi vương vấn ở hai đầu

Con xa tuần, mẹ tưởng tháng lâu
Con xa tháng, thấy năm dài đằng đẵng
Đâu mái tóc vàng hoe tơ nắng
Môi ngây thơ tập gọi: Ơi bà !


Nửa năm rồi con mới thấy mặt cha
Cha trở về, rồi cha đi, vội lắm
Đừng trách con ơi, cha là người lính
Người lính mấy khi được ở gần nhà


Mẹ đưa con về ở với bà

Tình thương mẹ san đều hai ngả
Nửa theo gió gửi đi miền đất lạ
Nửa hoà vào con sóng vỗ, lời ru


Nỗi lòng cha cũng hai nửa phân chia
Nửa nhớ con, nửa thương về nơi mẹ
Chỉ riêng con còn thơ dại quá
Có bao giờ con biết nhớ cha đâu


Có bao giờ con biết nhớ cha đâu
Nỗi nhớ ấy con giành về nơi mẹ
Cha đi suốt một thời trai trẻ
Vẫn nguyên lành trong mẹ buổi chia tay


Vẫn nguyên lành như nỗi nhớ hôm nay
Dáng cha đi trong điệp trùng đội ngũ
Đừng trách mẹ những đêm dài ít ngủ
Nhớ thương là hạnh phúc những ngày xa.

1976

Lời bình của Nguyễn Thị Thiện

“NHỚ THƯƠNG LÀ HẠNH PHÚC NHỮNG NGÀY XA”

Nhà thơ Vương Trọng (1943 - Nghệ An) năm nay đã ngoài tuổi bát thập nhưng thật mừng là ông vẫn an khang, minh mẫn và tiếp tục sáng tác. Giải thưởng Nhà nước ông vinh được tặng thưởng đã ghi nhận những công hioeens quan trọng của ông đối với nền Văn học nước nhà. Ông là tác giả của nhiều tác phẩm thơ hay được đông đảo bạn đọc yêu mến, thuộc nằm lòng. Trong gia tài thơ ca rất phong phú của ông, tôi đặc biệt thích những bài thơ ông viết về chủ đề gia đình, cảm xúc luôn chân thành, sâu sắc, mang tính minh triết và ý nghĩa khái quát cao.

Bài thơ “Nhớ con” ra đời năm 1976, đăng trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội là một sáng tác như thế. Thi phẩm là tiếng lòng thương nhớ con da diết của mẹ cha gửi tới đứa con yêu; vì điều kiện hoàn cảnh công tác mà phải sống xa con dù con còn rất nhỏ song chính nỗi nhớ niềm thương ấy lại là “hạnh phúc những ngày xa”. Cảm xúc xuyên suốt trong bài là nỗi nhớ của mẹ, của cha với đứa con. Đoạn mở đầu, tác giả hóa thân vào tâm trạng của nhân vật trữ tình để thể hiện cảm xúc, nói rõ nghề nghiệp, công việc của người mẹ. Bởi làm nghề y – phu nhân của nhà thơ Vương Trọng là bác sĩ tại một bệnh viện lớn ở Hà Nội - nên phải trực đêm thường xuyên tại để chăm sóc người bệnh. Quê nội ở xa nơi núm ruột miền Trung nên dù không muốn, mẹ vẫn đành gửi con nhỏ về sống với ông bà ngoại: “Mẹ nghề y nhiều đêm trực vắng nhà/ Tròn một tuổi, gửi con về quê ngoại”. Đã chọn nghề chăm lo sức khỏe cứu người, dù là bác sĩ hay điều dưỡng viên, ai cũng vất vả. Nếu người đó là phụ nữ còn vất vả hơn nữa, nhất là khi có con mới được một tuổi. Chẳng người mẹ nào muốn xa con khi còn thơ ấu như thế nhưng vì nhiệm vụ, phải chấp nhận. Khi chưa gửi con về quê, người mẹ đang tuổi thanh xuân ấy đã nhiều năm chịu cảnh đằng đẵng xa chồng Người lính mấy khi được ở gần nhà” nhưng không một lời kêu ca. Bây giờ lại gửi con về ngoại, lòng mẹ ngổn ngang thương lo trăm mối. Hiểu vợ, thương vợ vô cùng, nhà thơ - chiến sĩ đa tài đã miêu tả cảm xúc, tâm trạng người mẹ thời điểm đó rất chân thực. Nghệ thuật nhân hóa được dùng đắt giá khiến cảnh vật thiên nhiên như cũng thấu cảm với nỗi lòng của người mẹ mỗi khi chở con đi hay về nhà ngoại: “Một con đường mờ mịt mưa rơi / Một con đường gió mùa nào cũng ngược / Một chuyến phà, người chờ hai bờ nước”. Kiều câu điệp cú pháp liên tiếp (3 lần) ở đây đã nhấn mạnh nỗi trống vắng của cõi lòng người mẹ khi phải rời xa con nhỏ - núm ruột của mình. Cao trào của cảm xúc, và cũng hay nhất trong bài là những câu thơ: “Con xa rồi, mẹ thức với mông mênh / Quờ cánh tay thấy giường chiếu rộng / Võng cởi rồi, còn dây buộc võng / Tiếng à ơi vương vấn ở hai đầu “. Tác giả đã khiến trái tim người đọc thổn thức khi miêu tả chi tiết và rất sống động tâm trạng ngổn ngang những âu lo và thương nhớ con da diết đến không ngủ được của người mẹ phải xa con mỗi khi đêm về. Từ láy mênh mông gợi tả không gian rộng lớn không có giới hạn, tô đậm thêm nỗi buồn trồng trải của lòng mẹ trong cảnh ngộ vừa xa chồng lại cả thiếu vắng con.

Cùng những ngày tháng ấy, người cha của bé trong quân ngũ, đơn vị đóng trú nơi xa nên “Nửa năm rồi con mới thấy mặt cha/ Cha trở về, rồi cha đi, vội lắm/ Đừng trách con ơi, cha là người lính/ Người lính mấy khi được ở gần nhà”. Chỉ mấy câu thơ, bằng sự từng trải của chính cuộc đời của mình, nhà thơ đã khái quát lên cuộc sống xa nhà, người thân và đồng cảm sâu sắc với tình cảnh của nhiều cán bộ, chiến sĩ. Cũng vì nhiệm vụ cao cả, người lính chấp nhận sống xa vợ, xa con để bảo vệ bình yên cho quê hương đất nước. Đâu chỉ có người mẹ nhớ thương chồng con và dành tình thương chia đều cho hai ngả mà tình cảm người cha cũng thế: “Nỗi lòng cha cũng hai nửa phân chia / Nửa nhớ con, nửa thương về nơi mẹ / Chỉ riêng con còn thơ dại quá / Có bao giờ con biết nhớ cha đâu?” Đọc thơ, ta có thể hình dung ba thành viên cha, mẹ và đứa con sống ở ba nơi như ở ba đỉnh của một tam giác. Nỗi nhớ và tình yêu thương cứ giăng mắc qua lại, lại qua giữa ba đỉnh ấy. Chỉ có điều con thơ còn nhỏ dại quá, chưa hiểu và chưa biết bộc lộ nỗi nhớ niềm thương. Khổ thơ cuối, người cha nhắn nhủ tới đứa con yêu và cũng là tâm niệm với chính mình:Vẫn nguyên lành như nỗi nhớ hôm nay/ Dáng cha đi trong điệp trùng đội ngũ/ Đừng trách mẹ những đêm dài ít ngủ / Nhớ thương là hạnh phúc những ngày xa”. Câu kết cô đọng và là câu hay nhất bởi tứ thơ bất ngờ độc đáo, lời thơ khái quát cảm xúc toàn bài, hàm chứa một triết lý sống cao đẹp: sự xa cách với tình yêu cũng như gió đối với lửa, gió có thể dập tắt một tình yêu nhỏ nhưng có thể thổi bùng một tình yêu lớn. Khi đã có tình yêu chân thành, mạnh mẽ, khó khăn càng tôi luyện để cho tình yêu vượt qua thử thách và bừng lên tỏa sáng rực rỡ. Hạnh phúc chính là hành trình của tình yêu thương trên con đường đi tới tương lai. Thi nhân dùng nhiều điệp từ trong bài: con, mẹ, cha, nhớ… cùng với những từ láy giàu sức gợi xa xôi, mờ mịt, bồng bềnh, mông mênh, vương vấn, đằng đẵng, khiến cho lý trí và trái tim người đọc thêm hiểu, thêm đồng cảm sâu sắc với nỗi lòng của người mẹ, người cha khi phải sống xa con.

Bài thơ đã ngợi ca phẩm chất cao đẹp, sự hy sinh thầm lặng của những “thiên thần áo trắng”, những cán bộ, nhân viên công tác ở ngành y thường xuyên phải gác tình riêng để hoàn thành nhiệm vụ. Bên cạnh đó, thi phẩm còn làm sáng tỏ sâu sắc câu tục ngữ “Phụ tử tình thâm”. Với những giá trị đặc sắc, đa dạng về nội dung và nghệ thuật, “Nhớ con” của nhà thơ Vương Trọng là một trong những bài thơ hay nhất về nỗi nhớ của cha mẹ với đứa con thơ.

Nguyễn Thị Thiện