" ĐIỆN BIÊN GỌI TÔI LÊN" lời bình của Đặng Toán

Đặng Toán

ĐIỆN BIÊN GỌI TÔI LÊN

Có phải tiếng hò kéo pháo gọi tôi lên
hay ban trắng triền xuân còn đang đợi
Nậm Rốm tím sương chiều chờ tôi đến
Mường Thanh xanh líu ríu câu mời

Chưa biết hẹn cùng ai lòng đã núi
mới Pha Đin đã bối rối Điện Biên rồi
qua chót vót đỉnh rừng, thăm thẳm suối
mây che mùa chiến dịch vẫn còn bay…

Áo trấn thủ bập bùng đêm đuốc lửa
nhịp hò dô vượt dốc pháo vào ra
mưa xối buốt những bàn tay máu tứa
đất đỡ người ngã xuống hôm qua

Về mùa em, lòng chảo lúa mượt mà
cầm tay núi nối vòng xòe dìu dặt
đồi A1 đặt vào tôi câu hát
tôi hát cùng áo cóm, hoa ban

Có gì đâu măng đắng, cơm lam
hóa thơm thảo sông mường, ruộng bản
Điện Biên ạ, mai xa rồi, nhớ lắm
tôi hẹn về bên núi và em!

Nguyễn Hữu Quý

Lời bình của Đặng Toán:

Tôi vẫn thường có thói quen “nhặt” những khổ thơ, câu thơ mà mình cho là hay, là ấn tượng khi đọc được trong một bài thơ mà tôi yêu thích để nhâm nhi, thưởng lãm. Và thật thú vị, trong những ngày tháng ba này, đúng vào mùa hoa ban nở rộ, tôi đã gặp được một bài thơ như thế, bài “Điện Biên gọi tôi lên” của nhà thơ Nguyễn Hữu Quý.

Thi phẩm không dài lắm chỉ vỏn vẹn 5 khổ viết theo thể thơ 8 chữ, thi thoảng xen vào một vài câu 7 chữ. Tôi đã “nhặt” được khá nhiều câu thơ hay, mang đậm bản sắc miền núi Tây Bắc. Và đây là một trong số đó:

Về mùa em, lòng chảo lúa mượt mà

cầm tay núi nối vòng xòe dìu dặt

đồi A1 đặt tôi vào câu hát

tôi hát cùng áo cóm, hoa ban”

Nếu chữ “mùa em” có thể khiến nhiều người liên tưởng tới “Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”(Tây Tiến) của thi sĩ Quang Dũng, thì những chữ “lòng chảo”; “đồi A1” nơi mảnh đất Điện Biên đã quá nổi tiếng, quá ấn tượng như bật hẳn ra, và ngay lập tức găm được vào tâm trí người đọc. Còn những động tác, hình ảnh đầy lãng mạn “cầm tay núi nối vòng xòe dìu dặt” hay “hát cùng áo cóm, hoa ban”, và “đồi A1 đặt vào tôi câu hát” thì chắc chỉ có ở Nguyễn Hữu Quý.

Khổ thơ thứ hai đọc cũng rất khoái:

Chưa biết hẹn cùng ai lòng đã núi

mới Pha Đin đã bối rối Điện Biên rồi

qua chót vót đỉnh rừng, thăm thẳm suối

mây che mùa chiến dịch vẫn còn bay...”

Hai câu: “Chưa biết hẹn cùng ai lòng đã núi/ mới Pha Đin đã bối rối Điện Biên rồi” tôi cảm nhận được độ tinh tế, tài hoa của nhà thơ. Hai chữ “đã” trong hai cặp liên từ quen thuộc: “chưa...đã” và “mới...đã” với chữ “đã” đứng trước danh từ: Núi; Điện Biên (thường thì chữ này hay đứng trước tính từ hoặc động từ), làm cho câu thơ đẹp, mới lạ và ấn tượng. Còn hình ảnh “mây che mùa chiến dịch vẫn còn bay” thì phải nói cách quan sát và liên tưởng của tác giả hình như đã ngấm sẵn ở trong tâm hồn.

Trong khổ thơ đầu tiên, cái hay lại nằm ở sự lồng ghép khéo léo giữa quá khứ với hiện tại:

Có phải tiếng hò kéo pháo gọi tôi lên

Hay ban trắng triền xuân còn đang đợi

Nậm Rốm tím sương chiều chờ tôi đến

Mương Thanh xanh líu ríu câu mời

Nhà thơ đang mơ hồ nghe thấy tiếng hò kéo pháo hay chính anh đã hóa thân vào người lính mặc áo trấn thủ của một thời “lừng lẫy năm châu”? Độc giả cũng như nhà thơ còn đang bồi hồi, lâng lâng xúc cảm trước quá khứ bi hùng, thì những “ban trắng, Nậm Rốm tím, Mường Thanh xanh” như kéo mọi người quay trở về với thực tại ngập tràn sắc màu tươi tắn, bằng một động thái hết sức ân cần, ân cần đến luống cuống “líu ríu câu mời”.

Viết về Điện Biên mà không đưa được chút gì về lịch sử oai hùng của mảnh đất đã từng làm “chấn động địa cầu” thì sẽ là một thiếu sót. Chỉ bằng khổ thơ 31 âm tiết, Nguyễn Hữu Quý đã làm được điều đó, hơn thế anh còn gây ấn tượng mạnh, ám ảnh với người đọc qua những câu thơ vừa gợi vừa giầu sức liên tưởng:

Áo trấn thủ bập bùng đêm đuốc lửa

nhịp hò dô vượt dốc pháo vào ra

mưa xối buốt những bàn tay máu tứa

đất đỡ người ngã xuống hôm qua

Từ bộ trang phục đặc trưng không thể trộn lẫn của bộ đội thời kì đó “áo trấn thủ” tới đuốc lửa bập bùng của những đoàn dân công “ngày đêm ra hỏa tuyến” (thơ Tố Hữu). Hình ảnh bi thương “mưa xối buốt những bàn tay máu tứa” gợi nhớ muôn vàn gian khổ, vất vả và cả những tấm gương anh dũng hy sinh của bao chiến sĩ pháo binh kéo pháo vào ra, thực hiện phương châm “đánh chắc tiến chăc” của Đại tướng tài ba Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Và đặc biệt hình ảnh ân nghĩa “đất đỡ người ngã xuống hôm qua” đầy chất nhân văn, ám gợi.

Khổ kết bài là những tâm sự nhẹ nhàng, sâu lắng thể hiện được tính cách thâm trầm, tinh tế của con người tác giả:

Có gì đâu măng đắng, cơm lam

Hóa thảo thơm sông mường, ruộng bản

Điện Biên ạ, mai xa rồi, nhớ lắm

Tôi hẹn về bên núi và em!”

Những “măng đắng cơm lam, sông mường ruộng bản” giản dị, mộc mạc, thảo thơm như tình người Tây Bắc khiến cho ai đến một lần sẽ chẳng thể nào quên. Cả bài thơ chỉ có duy nhất dấu chấm than (!) chắc chắn như một lời hứa. Bởi vậy tôi cũng như mọi người đều tin rằng nhà thơ sẽ sớm quay về “bên núi và em” như đã hẹn cùng mảnh đất Điện Biên yêu dấu!

Đặng Toán