Chân dung người mẹ qua thơ Nguyễn Ngọc Tung

NGUYỄN THỊ THIỆN

Người mẹ vốn cao đẹp trong cuộc đời, khởi đầu của sự sống và suối nguồn yêu thương không bao giờ cạn. Mẹ là nguồn cảm hứng dồi dào của thi ca, đã khơi nguồn để nhà thơ Nguyễn Ngọc Tung (1950 - nguyên Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Phúc ), hội viên Hội nhà văn Việt Nam, sáng tác nên nhiều áng thơ hay. Qua thơ ông, chân dung người mẹ hiện lên dung dị, chân thực với nhiều đức tính và phẩm chất tốt đẹp.

hinh-anh-me-trong-tho-duong-dai-ninh-binh-f5ffb-1710203271.jpg

Mẹ tuy không chăm sóc chiến sĩ khi“bị thương nằm lại một mùa mưa” như trong bài thơ “Mẹ” của nhà thơ Bằng Việt; mẹ cũng không đào hầm lập nên kỳ tích "giấu cả sư đoàn dưới đất" như trong áng thơ “Đất quê ta mênh mông” của Bùi Minh Quốc. Người mẹ sinh thành của Nguyễn Ngọc Tung chỉ là một nông dân thuần phác, giản dị, lam lũ trong công việc đồng áng và sinh hoạt đời thường. Mẹ đã lao động không ngừng vừa để nuôi convừa làm tròn nhiệm vụ cao cả của người ở hậu phương trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, dâng hiến cho Tổ quốc những đứa con mẹ yêu quý nhất lên đường chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất non sông.

Mẹ “một đời lặn lội nắng mưa"

Sinh ra, lớn lên từ đồng đất Vĩnh Phúc, mẹ hay lam hay làm, thức khuya dậy sớm, công việc luôn tay là căn tính của mẹ cũng như bao bà mẹ Việt khác. Bài thơ "Tép dầu" cho thấy cuộc đời của mẹ là cả những chuỗi ngày dài lam lũ nối nhau. Mượn lời nói về tép dầu, đối thoại với loài tép dầu nhưng thực chất nhà thơ nói về người mẹ thân thương lam lũ, tần tảo sớm hôm của mình: "Tép dầu là tép dầu ơi/ Ăn sương nằm gió ngủ nơi góc đầm/ Mẹ ta nắng dãi mưa dầm/ Vừa buông giọt mặn lại cầm giọt cay". Tép dầu là loại cá nhỏ, có nơi gọi là thầu dầu, mài mại. Loại cá này sống được và sinh trưởng nhanh trong điều kiện tự nhiên khắc nghiệt nơi ruộng đồng. Nhà thơ đã phát hiện ra sự tương đồng giữa Tép dầu và mẹ qua việc "ăn sương nằm gió" "nắng dãi mưa dầm". Giống như nhiều bài khác, nhà thơ sử dụng sáng tạo nhiều thành ngữ dân gian, có sự hoán cải phù hợp trong biểu đạt cảm xúc, nhấn mạnh nỗi nhọc nhằn của mẫu thân: "Một đời lặn lội nắng mưa/ Thân cò gầy guộc sớm trưa ngoài đồng". Hình ảnh thơ gợi tả, gợi cảm bao nhiêu nỗi thương xót mẹ. Người mẹ không chỉ lặn lội nắng mưa, mẹ còn vượt qua bao khó khăn khác nữa. Mẹ hiện lên trong thơ tuy nhỏ bé về hình hài nhưng tầm vóc lớn lao vô cùng "Con tôm cái tép nhọc nhằn/ Lùa giông đạp bão đồng gần đồng xa". "Giông bão" là những hiện tượng thiên nhiên vô cùng khắc nghiệt đe dọa cuộc sống con người. Đối mặt trước thử thách đó của ngoại cảnh, mẹ chủ động “lùa giông đạp bão” cảnh để chiến thắng. Tình yêu thương các con và gia đình là nguồn năng lượng vô cùng lớn tiếp thêm sức mạnh giúp mẹ vững vàng vượt qua mọi thử thách trong cuộc sống.

Hằng ngày, công việc quen thuộc của mẹ được tác giả - người con trai cả - thấu cảm bằng trái tim. Vì thế, chân dung mẹ hiện lên qua những lời thơ thật gần gũi. Chăm lo việc đồng áng, mẹ còn làm bao công việc nội trợ của một gia đình đông đúc với mười miệng ăn: bố mẹ và tám anh em, nhà thơ Nguyễn Ngọc Tung là con đầu lòng, dưới ông có sáu em trai và cô em gái út.

Chân dung mẹ được tái hiện thật sống động qua cảm xúc của người con trong bài "Ngọn khỏi": "Mẹ lội ruộng cấy gió bên sông/ manh áo tơi che không kín rét/ mái tranh nghèo mẹ giồng khói bếp/ ngọn khói cay, ngọn khói ngọt ngào". Nhan đề của bài và cách dùng từ ngữ ở đây thật mới lạ, thật độc đáo. Thông thường người ta vẫn hay nói đám khói, luồng khói, đây tác giả lại dùng điệp từ ngọn khói – “ngọn khói cay, ngọn khói ngọt ngào”. Hình ảnh ẩn dụ này vừa biểu tượng cho sự khó nhọc vừa gợi tả niềm hạnh phúc của người mẹ. Để đun nấu đủ đồ ăn, thức uống cho ngần đấy con người - chưa kể nấu cám bã chăn nuôi, thời bấy giờ chỉ bằng rơm rạ - biết bao nhiêu thời gian, công sức và vất vả. Nhưng mỗi khi cơm canh vừa chín, ngắm cả đàn con quây quần bên mâm cơm, ăn rào rào như tằm ăn rỗi, lòng mẹ cảm thấy thật ngọt ngào, có ấm áp, hạnh phúc nào lớn hơn? Lẽ thường nhà nông cấy lúa nhưng đây tác giả lại dùng từ "cấy gió" thật sáng tạo. Là phụ nữ nông dân, công việc quen thuộc của mẹ là đi cấy. Cấy mùa thường là tháng cuối của năm âm lịch, rét buốt căm căm, tê cóng cả chân tay. Tác giả nói "cấy gió" là nhấn mạnh cái gió nhân thêm cái giá rét, tăng thêm sự cơ cực, vất vả của mẹ và càng thương mẹ hơn.

Ngoài đồng đã vậy, khi về nhà, mẹ lại chẳng lúc nào ngơi tay, từ băm bèo, thái rau, xay lúa, giã gạo… Và còn bao việc không tên khác nữa: "Con ngồi học mẹ băm bèo thái rau/ cái đèn ngủ lúc nào chẳng biết/ mẹ xay lúa cơn giông cánh liếp/ trang sách con bỗng ướt mưa rơi". Đọc nhưng câu thơ này, mấy ai lại không rưng rưng vì xúc động? Nghệ thuật ẩn dụ nhân hoá thường xuyên xuất hiện trong thơ Nguyễn Ngọc Tung. Các vật dụng vô tri ở đây như: cái đèn, cánh liếp, trang sách qua sự cảm nhận tinh tế của người con - một kỹ sư xây dựng có tâm hồn thi sĩ - bỗng trở nên có hồn. Những đồ vật ấy cũng đồng cảm với chủ thể trữ tình, thấu hiểu sâu sắc “Đời mẹ nắng mưa khó nhọc/ Nắng mưa áo vá sờn vai” (Nồi đất) nên lại càng thương yêu, cảm phục mẹ hơn.

“Mẹ là vầng trăng”, chan chứa tình thương

Xuất phát từ yêu thương con vô bờ, nhưng không phải bằng lời nói mà chủ yếu bằng việc làm, bằng hành động. Mong muốn các con được no ấm nên mẹ làm luôn tay không nghỉ. Bài thơ "Vầng trăng, tình mẹ" của Nguyễn Ngọc Tung có những câu rất ám ảnh: "Trăng lên đã vượt ngọn cau/ mẹ còn thái khoai, xay lúa/ thương mẹ đường kim mũi chỉ/ vá sao tròn mảnh trăng gầy?".Tất cả mọi vui buồn, hy vọng trong đời sống tinh thần của mẹ đều gắn với gia đình. Hạnh phúc cả cuộc đời của mẹ là chăm lo cho các con, vun đắp để gia đình thực sự là tổ ấm.

Đọc thơ của Nguyễn Ngọc Tung, bạn đọc gặp nhiều câu, đoạn thơ nói về lời ru của mẹ. Dùng thể thơ lục bát truyền thống có âm điệu êm ái, du dương, tiêu biểu, bài Thơ dâng mẹ có những câu: “Kẽo kà kẽo kẹt trưa hè/ Nghe như vọng tiếng võng tre thuở nào/ Ngọt ngào một giọng ca dao/ Lời ru mẹ dắt ta vào đường thơ”. Có người từng nói: “Không yêu thương không thể hát ru con”, đúng vậy. Bao tình cảm yêu thương, bao mơ ước khát khao, người mẹ gửi vào câu hát. Lòng của người mẹ lúc nào cũng mong con ăn ngoan, mau lớn, sống yên ấm giữa cuộc đời. Đoạnthơ là nỗi nhớ và niềm hoài niệm da diết của thi nhân về kỷ niệm tuổi thơ. Chính sự thông minh của trái tim dạt dào tình yêu thương của mẹ và sự dâng hiến thầm lặng vì các con đã góp phần định hướng để tác giả bước vào con đường thơ để giờ đây chúng ta có một nhà thơ đích thực.

Mẹ nhẫn nại “Biết hy sinh nhưng chẳng nhiều lời”

Mẹ của nhà thơ Nguyễn Ngọc Tung cũng giống như bao bà mẹ: "Một đời đi mãi mà không ngoài ruộng/ một đời giấu mãi vẫn trong cánh cò" (Trần Quang Quý) nhưng mẹ rất giàu lòng nhẫn nại và đức hy sinh. Mẹ nhận về mình “đi sớm về khuya/ Gánh bao mùa rụng lá”. Bài thơ “Nếu một ngày vắng gió” được thể hiện qua dạng thơ ngũ ngôn là sự ghi nhận, thấu hiểu và biết ơn sâu nặng của người con: “Lòng biển rộng sông sâu/ Mẹ nuôi con trời biển/ Bao mặn mòi cay đắng/ Mẹ lẫn vào cơn mưa”. Người mẹ của nhà thơ chưa bao giờ nghĩ đến nhàn nhã, hưởng thụ. Ngày Tết, mẹ cũng vẫn quên mình trong công việc. Bài “Tết về nhớ mẹ ta xưa” đọc lên khiến lòng ta rưng rưng xúc cảm: “Tết về nhớ mẹ ta xưa/ chiều Ba mươi vẫn nắng mưa ngoài đồng/ áo tơi che tấm lưng còng/ cấy xong mẹ mới yên lòng đón xuân”. Những câu thơ chứa chan tình yêu thương và tri ân vô hạn. Tuy gia cảnh mẹ còn thiếu người lao động xốc vác nhưng khi cuộc chiến tranh chống Mỹ của dân tộc vào giai đoạn ác liệt, mẹ sẵn sàng dâng hiến tài sản vô giá nhất Lần lượt từng đứa, mẹ đưa tiễn ba con trai khỏe mạnh của mẹ vào bộ đội:“Tiễn con ra chốn chiến trường/ Gạt thầm nước mắt mong đường con khô” (Nguyễn Ngọc Oánh). Đức tính hy sinh thầm lặng và khiêm nhường “biết hy sinh nên chẳng nhiều lời” (Tố Hữu) của người mẹ khiến chúng ta càng thêm yêu kính, cảm phục mẹ nhiều hơn.

Hình ảnh người mẹ trong thơ Nguyễn Ngọc Tung hiện lên qua nhiều bài thơ rất phong phú. Đó là người phụ nữ giàu tình yêu thương và đức hy sinh, đảm đang, trung hậu. Phẩm chất bình dị mà cao đẹp của mẹ nhà thơ rất tiêu biểu cho phẩm chất của phụ nữ Việt Nam.

NGUYỄN THỊ THIỆN