Bến đời - Truyện ngắn của Trần Đức Hiển

“Mày đi đâu kiếm được miếng ăn thì đi. Đừng có bảo là con tao ở cái làng này! Xấu hổ! Bao giờ kiếm được miếng ăn, thành người thì hãy về!” Nói rồi bố tôi quay đi, tôi thoáng thấy mắt ông mờ ướt. Cầm năm trăm nghìn, số tiền gần bằng cả tháng lương hưu nhà giáo của ông mà tôi vừa tủi hổ lại vừa ấm ức.

Bố tôi là hiệu trưởng, lại nhiều bạn bè chiến đấu làm to, ông chỉ cần máy môi là xin được cho tôi một công việc tốt. Khổ nỗi ông liêm khiết, đảng viên gương mẫu, không muốn lụy ai. Chính điều đó làm ông bị cô lập. Người ta muốn ông cùng bè cùng phái để cùng làm cùng ăn mà ông cứ một mình một nẻo. Nên họ cho ông hưu sớm. Ngày ông về, mẹ tôi hỏi:

- Ông còn tuổi, còn sức khỏe mà sao đã về rồi?

- Mình cứ cố vị mãi thì lớp trẻ nó lên sao được?

- Sao không để xin cho con đã?

- Người ta đã hứa sẽ giúp cho con rồi, cứ từ từ. Mà tôi cũng muốn nó tự lập.

flowers-8622033-1280-1713759279.jpg

Nói là thế nhưng cách giáo dục gia trưởng, hà khắc của ông có để tôi tự lập được đâu. Tôi có năng khiếu đàn hát, muốn thi vào trường nhạc, ông bảo: "Là thằng con trai thì phải làm cái gì nó nam tính như công an chẳng hạn. Chứ cứ ỉ eo la hét thì chả nên công trạng gì con ạ!" Tôi bảo: "Con không muốn bị người ta chửi mình là cướp ngày". Ông quát: "Đừng ăn nói hàm hồ. Sống như bố mày đây thì ai dám chửi?"

Tôi không dám cãi, nhưng vẫn thi trượt. Ông tức tối: "Xấu hổ! Mày bôi gio trát trấu vào mặt tao!" Ông bắt tôi học thi lại nhưng "khả năng con có thế". Cuối cùng tôi phải đi học nghề, dù không thích nhưng "nó dễ xin việc". Vậy mà khi tôi ra trường được một năm cũng là lúc ông có thâm niên hai năm ở nhà chơi cây cảnh, tôi vẫn "phải đợi người ta sắp xếp". Tôi đâm chán và chơi bời. Thỉnh thoảng ông bảo tôi cùng chăm cây để "cũng là cách học làm người".

Ông bảo:

- Con người cũng như cái cây này, phải được uốn nắn, cắt tỉa mới đẹp, mới hay được.

- Nếu để tự do sinh trưởng với đất mẹ, nó sẽ thành cây cổ thụ đấy ạ?

- Như thế thì còn gì là nghệ thuật.

- Nhưng uốn nắn, chăm sóc không đúng cách thì cũng chẳng làm nó thành nghệ thuật được ạ!

Ông im lặng. Biết ông suy nghĩ, tôi hỏi tiếp:

- Sao bố không làm trưởng thôn nữa, dân tín nhiệm bố mà?

- Ở cái xóm con con này cũng chính trị mới chả tà trị! O ép, kèn cựa, bè phái với nhau, bố mày chịu.

- Xóm này cán bộ nào cũng nhiều đất, nhà cửa đề huề. Chỉ mỗi bố thanh liêm, vợ con mất nhờ!

Đang cẩn thận cắt tỉa cây đa, bỗng ông cắt phăng mất ngọn chính. Bùi ngùi tiếc nuối một lúc, ông lại phán:

- Mất một thế đẹp. Nhưng nó sẽ chồi ra nhánh khác. Cắt mọc, mọc cắt. Không trực thì huyền. Cái giống nó hay thế đấy.

Tôi biết ông muốn chơi Bonsai để quên đi thế sự, để có tâm thanh thản. Ông cũng muốn tôi sẽ tìm được thú vui ở đó. Nhưng tôi đang là thằng bất mãn thì làm sao tiếp thu được. Tôi đã tìm đến ma túy để quên, để mình được thăng hoa. Chỉ khi tôi nghiện nặng, cùng với những đồ đạc trong nhà và của hàng xóm bị mất dần thì bố tôi mới nhận được những lời đàm tiếu: "Dao sắc không gọt được chuôi, cả đời dạy người mà con mình lại hỏng". “Con mình còn chả dạy được thì dạy được ai. Chắc thế mới bị hưu non”. Khỏi phải nói ông điên tiết thế nào. Ông xích tôi vào để cai. Nhưng ma túy đâu có dễ buông tha người ta. Dù có ý thức thì tôi lại chẳng là tôi khi cơn vật thuốc đến. Sau nhiều lần tôi vẫn lại sa vào trộm cắp, hút hít vì càng bất bình với sự độc đoán, bảo thủ của ông. Làng xóm càng được dịp đàm tiếu. Cuối cùng, ông chỉ còn cách đuổi tôi ra khỏi nhà.

* * *

Tôi quyết đi thật xa. Ngày xưa, có lần gặp ông thầy bói phán tôi phải xa nhà, hướng nam mới hợp làm ăn. Tôi muốn thử, dù sao cũng chẳng còn lựa chọn. Khi vào đến Sài Gòn, mọi thứ với tôi thật lạ lẫm. Với kinh nghiệm và bản lĩnh giang hồ, chả khó khăn cho tôi tìm được đồng bọn. Tôi phiêu bạt cùng nhóm làm bảo kê, bảo vệ sàn nhảy, chuyên dẫn gái gọi.

Ở đây tôi mới thấy hết được sự ăn chơi sa đọa của bọn lắm tiền, nhất là mấy thằng công tử con nhà giàu. Ma túy. Lắc. Trần truồng. Điên loạn. Động vật. Cách tiêu tiền của chúng dường như để chứng tỏ mình có phép thuật búng tay là có tiền. Những kẻ lắm tiền ấy rất khát một thứ khiến chúng sẵn sàng bỏ nhiều tiền để có: “gái trinh”. Nhưng khổ nỗi loại đó ngày càng khan hiếm nên chúng tôi đã dùng giải pháp đưa những em mới vào nghề đi “làm hàng” lại. Mọi chuyện suôn sẻ và bọn tôi kiếm cũng khá. Không may một lần tôi đi giao “hàng”, gặp đúng tay sành sỏi phát hiện hàng giả. Hắn tức giận lao vào đánh tôi. Biết hắn đã rất say nên tôi cũng đánh lại tới tấp, cứ háng hắn mà tương cho bõ tức. Từ lâu tôi đã rất ghét bọn hợm đời này, cậy lắm tiền là muốn làm gì thì làm. Khi hắn ngất đi tôi mới nghĩ đến chuyện bỏ trốn, bởi tôi biết bọn này toàn thuộc dạng có tiền, có quyền.

Ngay đêm đó tôi bắt xe dạt lên Tây Nguyên. Chỉ còn cách trốn vào rừng. Ở đây rừng bạt ngàn, dễ dàng lẩn trốn.

Tôi cứ đi, mệt lại nghỉ, vào sâu trong rừng. Đi trên những thảm cỏ dày, những trảng rêu xanh mướt, ngắm những mảng địa y nhiều màu trên những thân cây cổ thụ, những khóm phong lan đủ màu sắc ẩn hiện trên các cành cây trở nên kỳ vĩ, huyền ảo bởi những vệt nắng lưa thưa chiếu xuống như những chiếc đèn pha sân khấu, lại nghe bản hòa tấu của suối, gió, chim muông và cả tiếng côn trùng đệm nhịp, tôi quên hết những lo âu, cảm thấy lòng thật thư thái. Cơn vật thuốc ập tới. Bắt đầu ngáp. Bắt đầu buồn bực chân tay, cảm giác nhức nhói tăng dần làm quên hết những sự đẹp đẽ xung quanh, rãi rớt bắt đầu chảy ra. Tôi như con thú. Nhưng con thú này sẽ chẳng làm gì được giữa chốn rừng già. Nó chỉ có thể cắn cỏ, cắn đất, gặm xước các thân cây hay nhai bất cứ thứ lá gì vớ được. Nó quằn quại, la hét nhưng đáp lại chỉ là thứ âm thanh lạc lõng, tuyệt vọng. Rồi nó lịm đi. Giấc mơ đưa nó trở về với quá khứ, quê hương…

landscape-8592826-1280-1713759279.jpg

Gió thổi táp cả những lá đa vào mặt tôi. Mùa rụng lá, những cái búp đang nhu nhú, rồi to dần, to dần nở bung những cánh lá non tơ vàng ánh. Cành lá xanh um, quả mọc chi chít từ trong các cuống lá lớn lên, lớn lên chuyển từ xanh sang vàng, sang đen. Chín. Bọn trẻ chúng tôi thi nhau hái ăn. Nhưng kìa! Cây có còn gốc đâu. Gốc nó đã bị đầy những vết chặt chém, đang khô, đang mục dần. Người ta đang muốn bức tử nó vì làm vướng đường đi. Bọn trẻ chúng tôi không có chỗ chơi, tan tác khắp làng.

Cháu chạy đi! Cầm cờ thì phải chạy, phải phất lên chứ? Trời! Bố khỉ. Quàng bao tải vào chân thì chạy sao được? Bỏ đi cháu! Đạp rách nó ra mà chạy! Kìa! Sao lại nằm đó mà ngáp? Chết thật! Phải nghĩ đến dòng tộc chứ? Ô! Sao ông lại mặc áo the khăn xếp đứng trên ngọn đa mà gọi cháu thế kia? Cây đa bị hỏng gốc rồi mà. Ông không sợ ngã à? Ừ. Ông đã là người thiên cổ rồi, có là người ông vĩ đại của cháu khi còn sống đâu. Chính cháu có nghe lời ông đâu. Đấy. Chỉ được cái ngáp vặt là giỏi. Ơ kìa! Bố. Sao lại ra hóng mát ở chỗ cây đa trụi lá thế này. Con đã bảo rồi. Bố bảo thủ quá! Cứ giữ mãi cái nhà cổ lỗ ấy làm gì. Phải xây lại, không cũng phải cải tạo đi. Bí rì như thế mà cũng chịu mãi được. Đấy! Bố còng lưng rồi kìa. Khổ! Ở trong cái nhà mà cả đời không dám ngẩng cao để đi vì sợ cộc đầu. Con đây chả bị bươu trán nhiều, không chịu được nên mới phải đi. Ai bảo bố cứ cấm hãm, có để con tự do lựa chọn đâu. Quý tử cũng phải ra đi. Cháy! Cháy kìa bố. Ôi! Sao đám học trò lại đốt nhà mình thế kia?

Chói mắt, có tia nắng chiếu thẳng mặt khiến tôi tỉnh dậy, đầu óc vẫn lơ mơ về ngôi nhà mình. Từ ngày bước chân ra khỏi làng, tôi chẳng mấy khi nhớ tới. Bởi mỗi lần nhớ là mỗi lần câu nói của bố lúc tôi ra đi vang lên. Tôi đã ném hết giấy tờ tùy thân. Nếu có sao thì cũng chẳng muốn gia đình nhận được hung tin, để làng xóm lại được dịp gièm pha, khinh bỉ. Chẳng hiểu sao giữa chốn rừng rú âm u này, lại mơ về điều mình muốn quên đi ấy. Nó cho một cảm giác là lạ. Dậy đi tiếp. Nhớ lại đêm qua, những giấc mơ rời rạc; Cảnh sát. Thú dữ. Cướp giật. Chạy. Sự bỉ ổi. Dâm ô. Đểu giả… mọi thứ cứ hỗn loạn, nhảy múa trong đầu tôi. Cứ bước đi. Tôi chỉ có ý nghĩ là phải đi chứ không thể ở đây. Có lẽ con người ta chỉ có thể tự do trong cô đơn. Những bon chen, mánh lới, thủ đoạn, lo âu rồi ma túy chẳng làm tôi yên thân, không cho làm được người tử tế. Tự do khỏi gia đình lề thói, chìm ngập ngoài xã hội, chết lúc nào không biết. Ừ! Có lẽ chết là tự do. Mà có khi chết thật. Giữa rừng. Đói. Vật thuốc. Lúc thấy tự do nhất thì lại dễ chết nhất. Đời. Mông lung. Oái oăm. Hỗn loạn. Thế đấy. Tôi chẳng đi được nữa. Lại lên cơn. Lại quằn quại. Lại cắn cấu cào xé. Rồi lại đi. Tôi đã đi được bao xa, bao ngày. Ma túy khiến tôi mê mị, vật vã. Rồi thiếp đi.

“Đừng có buông xuôi như thế. Phải cố gắng lên cháu ạ. Cháu đã quên là mình phải làm rạng danh dòng tộc à? Đừng hèn thế! Kìa! Cứ ngáp vặt mãi thế, không làm nên trò trống gì được đâu.

Cháu chẳng thể làm gì được nếu bị sự giáo dục cứng nhắc bảo thủ ấy. Ông cũng biết là cháu có tài mà. Nếu được lựa chọn chắc chắn cháu sẽ không làm họ mình hổ thẹn đâu. Kìa bố! Đấy! Có khi nào bố để con được nói điều mình nghĩ đâu. Bố bảo thủ quá. Sao bố lại im lặng? Có bao giờ bố im lặng thế đâu? Đấy ông xem! Như thế làm sao cháu không chán mà sinh thói đua đòi hư hỏng được. Mẹ! Đừng khóc nữa! Lúc nào mẹ cũng chỉ khóc. Con biết mình hư hỏng. Con xin lỗi!”

Tôi khóc. Trời! Tỉnh dậy mà nước mắt vẫn lăn trên má. Tôi có bao giờ yếu đuối thế đâu? Sống thế nào đây? A A A…tôi phát điên lên mất. Phải thoát khỏi đây. Nhưng ra để sống nhục nhã, vật lộn với những cơn nghiện ư? Chết. Chết đi! Chết đi i i i… Tôi lại khóc. Vì sao? Bất lực? Buông xuôi?? Cố gắng…???

Tôi sợ. Thực sự rất sợ. Có lẽ tôi đã thành ma rừng nếu không có sự may mắn. Vâng. Sự may mắn không ngờ. Khi tôi còn đang miên man, điên loạn thì có người thợ săn người dân tộc Ba Na đưa về bản. Phải đến cả tháng sau tôi mới dần hồi phục, sau khi được thuốc thang chăm sóc tận tình của gia đình người thợ săn tên Rưng. Nhà anh nghèo. Cả bản đó nghèo. Có lẽ chỉ khác rừng là có thêm những ngôi nhà gỗ lá; Hoang sơ. Tiêu điều. Dân bản sống bằng nghề đi săn là chủ yếu. Nhưng việc săn bắn cũng không được khá vì rừng cũng bị chặt phá nhiều. Dân bản phải đi săn ở xa, có khi hàng tuần. Vì thế mà họ gặp tôi ở một nơi tưởng như chẳng có ai đến. Tôi dần quen được với cuộc sống ở đây. Họ rất tốt, chỉ tội nghèo. Đến nỗi tôi cứ nghĩ đây là cuộc sống của người rừng. Nhưng cũng chính vì thế mà tôi cai được nghiện. Quen, thân. Lấy vợ. Sinh con. Cuộc sống mới. Quê hương mới. Đúng. Đáng lẽ tôi nên làm thế ở đây. Ít ra tôi cũng có thể đem đến chút văn minh cho họ có cuộc sống khá giả hơn. Nhưng chỉ một thằng nghiện như tôi thì không thể. Khó mà thay đổi được những tập tục ở đây. Nếu muốn thì có khi cần phải có một cuộc cách mạng hay một cuộc đầu tư phát triển kinh tế. Tôi thấy mình vô nghĩa nếu sống mãi thế này. Thà cứ là thằng ngu để không ý thức được mình và cả những người ở đây khổ. Thà cứ bị đầy đọa bởi cái thứ chết tiệt kia, để tôi chẳng thể ý thức được gì nữa. Tôi quyết định ra đi. Phải làm gì đó để báo ơn dân bản! Tôi hẹn chỉ khi có nhiều tiền mới quay lại, nếu không …dân bản cứ coi như gặp phải thằng bất nghĩa.

Trộm cắp. Buôn lậu. Giết người cướp của... Với thằng như tôi thì còn làm gì được hơn? Xin làm công nhân cũng khó, mà thế thì chẳng biết bao giờ mới có nhiều tiền. Tôi lang thang. Trên đường ra gặp mấy nhóm lâm tặc, tôi bèn xin vào một nhóm. Tay đầu sỏ hỏi tôi:

- Mày không sợ bị ngồi tù à?

- Đời tôi vốn đã bị tù rồi. - Tôi nói.

- Khà khà…! Mày cần nhiều tiền làm gì?

- Nợ đời. Trả nghĩa.

- Nên nhớ ở đây sống theo luật rừng đấy!

tea-plantation-1850217-1280-1713759243.jpg

Là thằng bất cần đời, tôi thừa bản lĩnh liều nên được tay trùm rất quý. Hắn sống rất bí ẩn, ít khi nói về mình. Tôi nghe mong manh hình như hắn đã từng làm quan chức gì đó. Hắn bảo: “Tương lai chúng ta chưa biết thế nào. Cứ làm hết nhiệm kì này đã. Tao không bắt chúng mày cống hiến, cũng đừng mong hưởng thụ ở đây. Mỗi thằng cố kiếm đủ mà ra ngoài. Của chung, mình không ăn hợp pháp được thì phải luồn, phải liều.”.

Đang làm ăn được thì một hôm, chúng tôi đụng phải một nhóm lâm tặc khác. Chúng vỗ ngực nhận mình làm theo lệnh của một ông lớn. Quân chúng rất đông lại được trang bị nhiều thiết bị hiện đại, kể cả vũ khí. Bất bình. Cay cú. Chống lại. Chúng tôi bị bọn chúng đánh đuổi tan tác.

Thật đời! Tôi lại lang thang. Bởi đâu dám vác xác không về bản anh Rưng. Đi đâu? Với kẻ tay không. Đi đâu? Với thân xác này? Đi đâu?...Về đâu? Đang trong bế tắc, tôi gặp một nhà sư đi quyên góp. Tôi nảy ý theo sư về chùa, xin ăn chay niệm phật.

“A di đà phật. Đời là bể khổ, nhưng trốn đời không phải là cách hay. Phật luôn từ bi, có điều phải biết ăn năn, sám hối. Trước hết phải biết tu tại tâm. Tâm sinh vạn pháp sinh. Tâm diệt vạn pháp diệt.”.

Chẳng biết phật pháp có thực sự cứu rỗi được tôi hay không, nhưng ít ra tôi cũng đã có chốn nương thân. Hàng ngày ăn chay niệm phật tôi cũng ngộ ra nhiều điều. Ít nhất thì tôi đã hiểu sao người ta vẫn nói đời là bể khổ:

Biển khổ mênh mông sóng ngập trời

Khách trần chèo một chiếc thuyền chơi

Thuyền ai ngược gió, ai xuôi gió

Nhìn lại cùng trong biển khổ thôi” (Đoàn Như Khuê)

Sư trụ trì đã thuyết giảng cho tôi rất nhiều. Ngài đã giúp tôi thanh thản hơn nhưng lại khiến tôi dằn vặt hơn khi khuyên tôi trở về. Ngài bảo tôi còn nhiều ham muốn, nợ đời thì không thể tịnh tâm mà tu được.

Một ngày nọ, tôi đang cố chú tâm niệm kinh thì có một ni cô đến. Mới nhìn khuôn mặt trắng mịn, đầy đặn nổi bật trên nền màu áo nâu của ni cô, tôi đã thót cả tim, những ý nghĩ phàm tục đã nhảy nhót trong đầu. Tôi chào với cái nhìn hau háu khiến ni cô tỏ ra ngượng ngùng. Sau vài hôm làm quen, chuyện trò, tôi mới biết cuộc đời lắm oan trái của nàng: Bố mẹ bỏ nhau, nàng theo mẹ sống cùng dượng với một tuổi thơ u buồn. Ngày mới lớn, sắc đẹp của nàng khiến ông ta giở trò hãm hiếp. Cuộc sống trong con mắt của nàng được thẩm thấu qua cuộc đời của bố mẹ chỉ là sự ê chề. Ức đời, nàng đi tu. Oái ăm thay, ở chùa cũ, nàng lại bị một tên sư đội lốt sàm sỡ. Mất hết niềm tin, nàng đã toan tự tử thì được đưa đến đây. Tôi thương nàng. Và phải đấu trí rất nhiều để xua đi những ý nghĩ xấu.

Tôi vẫn thường lén xem nàng tụng kinh vào mỗi tối. Một hôm, khi tôi còn đang nôn nao, cố kìm chế ở bên ngoài thì… Ôi! Tôi không tin ở mắt mình. Tôi lao vào trong, nhảy thẳng tới chỗ nàng, đấm túi bụi tay sư đang đè sấn lấy nàng. Hóa ra đó là tên sư mới đến chùa này. Hắn là con dê đội lốt, chứ sư sãi gì. Giữa chốn thanh tịnh cũng không được yên. Nàng ngộ ra định mệnh không cho mình đi tu. Nàng cùng tôi bỏ đi. Nhưng đâu là chốn nương thân đây?

***

Ngày anh dẫn một cô gái đầu trọc như sư về, cả làng vừa ngạc nhiên, vừa tò mò, soi xét. Sau gần chục năm, mọi người nghĩ anh đã chết, chứ nếu không đã về hồi bố anh mất mấy năm rồi. Cái nhà thấp bé như xưa. Mẹ anh đã gần như hết nước mắt. Sự chờ đợi hi vọng của bà cứ bị từng chiều, từng chiều đè xuống cái lưng khi lững thững ra ngõ ngóng con, lại lật đật quay vào với đôi mắt mờ ướt. Giờ thì anh đã về đây, mang theo cả người vợ đẹp khiến nhiều thằng trong làng phải ghen tị. Anh thấy tự hào vì điều đó, dù không có tài sản mang về.

Dịp này làng có mấy sự kiện vui, con ông chủ tịch xã cũng mới đi du học về. Thế mà xưa ai cũng ghét bảo nó dốt đặc, chẳng qua đi học bằng tiền tham ô của bố. Còn anh, xưa cũng nhiều người khinh vì con nhà giáo mà nghiện ngập, trộm cắp. Giờ vẫn có người khinh kẻ nể. Đời vẫn thế. Kể cả việc bố anh luôn là đảng viên tốt cũng thế. Cái chết của ông cũng có nhiều dị nghị, người thì bảo ông chết vì uất ức, người bảo do ông thấy nhục, chán đời… Mẹ anh kể, đến khi nằm xuống, ông vẫn khắc khoải nhắc tên con trong nước mắt. Dặn nếu anh về thì phá nhà đi xây lại tùy ý, chỉ cần giữ bàn thờ tổ tiên. Nhìn đám cây cảnh mọc tua tủa không được cắt tỉa, anh buồn vô hạn.