" Trở Về Với Mẹ Ta Thôi" của Đồng Đức Bốn. Lời bình của Đặng Văn Toán

Đặng Văn Toán

TRỞ VỀ VỚI MẸ TA THÔI

Đồng Đức Bốn

Cả đời ra bể vào ngòi

Mẹ như cây lúa giữa trời gió rung

Cả đời buộc bụng thắt lưng

Mẹ như tằm nhả bỗng dưng tơ vàng

Đường đời còn rộng thênh thang

Mà tóc mẹ đã bạc sang trắng trời

Mẹ đau vẫn giữ tiếng cười

Mẹ vui vẫn để một đời nhớ thương

Bát cơm và nắng chan sương

Đói no con mẹ sẻ nhường cho nhau

Mẹ ra bới gió chân cầu

Tìm câu hát đã từ lâu dập vui.

Chẳng ai biết đến mẹ tôi

Bạc phơ mái tóc bên trời hoa mơ

Còng lưng gánh chịu gió mưa

Nát chân tìm cái chửa chưa có gì

Cầm lòng bán cái vàng đi

Để mua những cái nhiều khi không vàng.

Mẹ mua lông vịt chè chai

Trời trưa mưa nắng đôi vai lại gầy

Xóm quê còn lắm bùn lầy

Phố phường còn ít bóng cây che đường

Lời rao chìm giữa gió sương

Con nghe cách mấy thôi đường còn đau.

Giữa khi cát bụi đầy trời

Sao mẹ lại bỏ kiếp người lầm than

Con vừa vượt núi băng ngàn

Về nhà chỉ kịp đội tang ra đồng

Trời hôm ấy chửa hết giông

Đất hôm ấy chẳng còn bông lúa vàng

Đưa mẹ lần cuối qua làng

Ba hồn bảy vía con mang vào mồ

Mẹ nằm như lúc còn thơ

Mà con trước mẹ già nua thế này.

Trở về với mẹ ta thôi

Giữa bao la một khoảng trời đắng cay

Mẹ không còn nữa để gầy

Gió không còn nữa để say tóc buồn

Người không còn dại để khôn

Nhớ thương rồi cũng vùi chôn đất mềm

Tôi còn nhớ hay đã quên

Áo nâu mẹ vẫn bạc bên nắng chờ

Nhuộm tôi hồng những câu thơ

Tháng năm tạc giữa vết nhơ cuộc đời

Trở về với mẹ ta thôi

Lỡ mai chết lại mồ côi dưới mồ.

anh-chup-man-hinh-94-1714348375.jpg
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Lời bình của Đặng Văn Toán

Nhắc đến thi phẩm “Trở về với mẹ ta thôi” của nhà thơ Đồng Đức Bốn, người yêu thơ thường nhớ ngay đến hai câu kết bài đã làm nên “thương hiệu” của ông: “Trở về với mẹ ta thôi/ Lỡ mai chết khỏi mồ côi dưới mồ”. Và thêm điều này hẳn ai cũng phải công nhận, trong tác phẩm của ông còn có rất nhiều câu thơ hay và độc đáo. Bên cạnh những chiêm nghiệm, triết lí, nhiều câu thơ của Đồng Đức Bốn đẹp một cách ảo diệu, ám ảnh, mông lung bảng lảng thật khó mà cắt nghĩa rành rọt.

Bài thơ được chia làm 5 đoạn, đánh số thứ tự từ 1 đến 5. Trong đó riêng đoạn 1 và 4, mỗi đoạn lại gồm có 2 khổ. Điều đặc biệt thú vị, hầu như toàn bộ những cặp lục bát cuối của mỗi đoạn, mỗi khổ đều là những câu rất hay, mang đậm dấu ấn sáng tạo của tác giả, không lẫn với bất kì ai. Độc đáo hơn, cả 5 đoạn thơ vừa có tính độc lập lại vừa có sự liên kết liền mạch, mỗi câu thơ hay một cách khác nhau, biến hóa linh hoạt song vẫn là khối thống nhất, thể hiện được ý đồ sáng tạo của nhà thơ.

Nếu hai câu cuối của khổ 1 đoạn 1, tác giả sử dụng thủ pháp thực ảo đan xen: “Cả đời buộc bụng thắt lưng/ Mẹ như tằm nhả bỗng dưng tơ vàng”. Viết về mẹ với lối ví von thông qua hình ảnh thắt lưng buộc bụng, hay hình ảnh con tằm nhả tơ thì cũng đã là hay, là đẹp nhưng có quá nhiều người sử dụng. Cái tài của Đồng Đức Bốn là chỉ cần đưa vào hai chữ “bỗng dưng” hết sức mơ hồ, rất khó xác định đã làm cho cặp lục bát tưởng như quen thuộc, mòn cũ thoắt tươi óng như những sợi tơ vàng quý giá. Và như vậy, những tảo tần, chiu chắt, những hy sinh cho con cái, cho gia đình của người mẹ trong bài thơ thật không gì có thể so sánh được. Hay, hình ảnh ở hai câu cuối khổ 2 đoạn 1 cũng tương tự như vậy: “Mẹ ra bới gió chân cầu/ Tìm câu hát đã từ lâu dập vùi”. Động tác “bới gió” để tìm lại câu hát xưa bị vùi dập chắc chỉ có nơi người mẹ của thi sỹ mà thôi.

Đến hai câu cuối ở đoạn 2, mức độ ảo diệu trong lục bát Đồng Đức Bốn lại càng thêm vi diệu: “Cầm lòng bán cái vàng đi/ Để mua những cái nhiều khi không vàng”. Ngoài cách điệp chữ “vàng”, cách sử dụng cặp từ mang tính định lượng “nhiều khi” giống như chữ “bỗng dưng” ở đoạn thơ trên, đã thực sự tạo nên cái thần tình trong cách dùng từ của thi sỹ và lập tức nó găm ngay vào trí nhớ của người đọc.

Hai câu cuối ở khổ 2 đoạn 4 lại hay theo một cách rất khác: “Mẹ nằm như lúc còn thơ/ mà con trước mẹ già nua thế này”. Biện pháp tu từ được tác giả sử dụng thật đắc địa. Cách so sánh đối lập “Mẹ; còn thơ” với “con; già nua” ngỡ vô lí lại hết sức hợp lí khi mà nỗi đau đớn, nỗi mất mát quá lớn có thể làm biến đổi mọi thứ. Câu thơ mới xa xót, mới day dứt làm sao, nó khiến cho mỗi độc giả khó có thể cầm được lòng mình trước thực tế hiển nhiên mà không phép màu nào có thể giúp ta lấy lại được những thứ quý giá đã đánh mất.

Cũng vẫn kiểu chiêm nghiệm, triết lí như thế, hai câu thơ cuối ở đoạn 5 cũng là hai câu kết bài đã thực sự làm nên tên tuổi Đồng Đức Bốn: “Trở về với mẹ ta thôi/ lỡ mai chết lại mồ côi dưới mồ”. Câu thơ không còn vẻ sự ảo diệu, mông lung, không phải những ví von, so sánh đầy ám gợi nữa, thơ đã thấm vào trong những nhắc nhớ, giục giã của đạo lí ở đời.

Nếu như trên cõi dương gian, nhà thơ đã một lần chậm trễ “về nhà chỉ kịp đội tang ra đồng” thì ở nơi thế giới của những linh hồn, ông đã thỏa ước nguyện, đã gặp lại được người mẹ rất mực yêu kính của mình. Câu thơ dường như đã vận vào đời ông. Và nhà thơ chắc chắn không bao giờ phải chịu cảnh “mồ côi” nơi miền mây trắng nữa!

Đặng Văn Toán