"Tình Em" qua lời bình của Nguyễn Thị Thiện

Nguyễn Thị Thiện

Tình Em

Ngọc Sơn


Khi chiếc lá xa cành
Lá không còn màu xanh
Mà sao em xa anh
Đời vẫn xanh rời rợi

Có gì đâu em ơi
Tình yêu là sự sống
Nên nắng hửng trong lòng
Mạch đời căng máu nóng

Anh đi xa bao núi…
Tình em như khe suối
Lưu luyến và nhớ thương
Chảy theo anh khắp rừng

Anh đi xa càng xa
Tình em như cỏ hoa
Âu yếm và thiết tha
Theo anh dài nương rẫy

Anh đi xa xa mãi
Đường giải phóng gian nan
Tình em là buồm căng
Qua bão bùng sóng lộng

Tình em là lửa hồng
Rực cháy giữa đêm đông
Mặt trời lên đỏ mọng
Như môi em tươi hồng

Vì sao khuya đỉnh đồi
Là mắt em xa xôi
Làm cánh gió em ơi
Chắp cánh chim em ơi


Chắp cánh ta yêu nhau
Trọn đường đời chiến đấu
Anh đi biệt tháng ngày
Tình em như sông dài…

(Gia Lai mùa khô, 1962-1963)

Nguồn: Trường Sơn - đường khát vọng, NXB Chính trị quốc gia, 2009

Lời bình của Nguyễn Thị Thiện

Chiến tranh luôn là thử thách khó khăn nhất đối với mỗi dân tộc, mỗi số phận và phẩm giá con người, cũng là thước đo lòng chung thủy trong tình yêu đôi lứa. Bài thơ "Tình em" của Ngọc Sơn là khúc ca ngọt ngào, say đắm ngợi ca lòng chung thủy của người vợ nơi hậu phương, nguồn động lực tinh thần to lớn tiếp thêm sức mạnh cho người lính nơi tiền tuyến.

Tác giả tên khai sinh là Hồ Ngọc Sơn (1932, Quảng Ngãi), vào bộ đội rồi tập kết ra Bắc năm 1954. Năm 1961, ông trở về miền Nam chiến đấu trên chiến trường Khu V và Tây Nguyên (sau ông trở thành phóng viên báo Quân Giải phóng miền Trung Trung Bộ, từ năm 1975, ông là Trưởng Phòng Tuyên huấn kiêm Tổng Biên tập báo Quân khu V). Thi phẩm gồm 32 câu thơ thể năm chữ, rút từ tác phẩm "Trường Sơn - đường khát vọng", NXB Chính trị quốc gia, 2009.

Bài thơ dạt dào cảm xúc trữ tình này ra đời năm 1962, sau khi Ngọc Sơn nhận được bức thư của vợ tên là Hiên, từ Hà Nội gửi vào mặt trận Gia Lai. Trong thư chị có viết: "Giá mà chúng ta có một đứa con giữ lại cho nhau một kỷ vật thiêng liêng của tình yêu thì dù anh có xa cách bao lâu, có ở phương trời nào em cũng vui lòng ...Dù thế nào em vẫn sẽ chung thủy chờ anh đến ngày toàn thắng”. Đọc thư, Ngọc Sơn cảm động và thương vợ vô cùng, cảm xúc trào dâng lên dào dạt, anh hoàn thành rất nhanh bài thơ. Mở đầu là những vần thơ thể hiện sự quan sát, chiêm nghiệm sâu sắc về cuộc sống và tình người: "Khi chiếc lá xa cành/ Lá không còn màu xanh/ Mà sao em xa anh/ Đời vẫn xanh rời rợi". Tình yêu chân thành và chan chứa của người hậu phương qua lá thư đã tiếp thêm sức mạnh cho người chiến sĩ nơi xa: “Anh đi xa bao núi…/ Tình em như khe suối/ Lưu luyến và nhớ thương/ Chảy theo anh khắp rừng./ Anh đi xa càng xa/ Tình em như cỏ hoa/ Âu yếm và thiết tha/ Theo anh dài nương rẫy”. Các điệp từ “anh - em” cứ quấn quít, đan cài nhau như chim liền cánh, như cây liền cành bởi cả hai đã có những ngày hạnh phúc tuy rằng rất ngắn nhưng thật ngọt ngào. Ngôn ngữ thơ giàu hình ảnh với màu sắc thiên nhiên sống động, rất gần gũi với người chiến sĩ. Điệp ngữ "Tình em" láy đi láy lại tới 6 lần, trở thành âm hưởng chủ đạo mang sắc thái trân trọng, ngợi ca.

Những vần thơ ở đây là tiếng nói từ sâu thẳm trái tim người lính nơi chiến trường gửi về người vợ yêu quý nơi quê nhà cháy bỏng nhớ nhung vì xa cách - sau khi hai người vừa làm đám cưới, sống bên nhau được hơn một tuần thì người chồng vào chiến trường. Ở thời điểm ấy, thử thách lớn nhất không chỉ là sự ác liệt của đạn bom mà là cuộc đấu tranh tinh thần, đấu tranh tư tưởng quyết liệt để giữ vững lòng tin: tin chính mình, tin người yêu, tin vào thắng lợi của cuộc kháng chiến. Điều ấy không chỉ đúng với người đi xa mà còn rất đúng cả với người ở hậu phương. Trong bài, tác giả sử dụng đắc địa biện pháp tu từ so sánh “Tình em” với: sự sống, cỏ hoa, lửa hồng, sông dài khe suối - chảy theo anh khắp rừng... Những hình ảnh đó vừa thân thương gần gũi, vừa đẹp đẽ ấm áp, dễ thương vô cùng. Đặc biệt, đoạn thơ cuối âm hưởng thơ càng dào dạt, tha thiết như tiếng lòng của anh tâm tình cùng em yêu: “Vì sao khuya đỉnh đồi/ Là mắt em xa xôi”. Hình ảnh so sánh trong thơ chân thực, đẹp đẽ chứng tỏ tâm hồn người chiến sĩ thật lãng mạn. Cảm hứng thơ bắt rễ từ hiện thực nhưng bay bổng, vượt lên những xa cách và hy sinh mất mát. Tình yêu của cả hai thực sự đã tiếp thêm cho nhau sức mạnh làm nên cánh gió diệu kỳ “Chắp cánh ta yêu nhau/ Trọn đường đời chiến đấu/ Anh đi biệt tháng ngày/ Tình em như sông dài…” Thật đúng! Tình yêu là động lực tinh thần vô giá giúp con người chiến thắng mọi yếu mềm để giữ trọn niềm tin yêu và vững vàng trước mọi thử thách khắc nghiệt của chiến tranh.

Thật kỳ diệu! Qủa thật bài thơ đã trở thành nguồn động viên vô giá giúp người vợ vượt qua mọi khó khăn, thử thách, chiến thắng mọi yếu mềm để giữ trọn tình yêu với người chiến sĩ nới tiền tuyến. Ngược lại, chính tấm lòng chung thủy của người vợ ở hậu phương lại là động lực tinh thần mãnh liệt tiếp thêm sức mạnh cho người lính nơi tiền tuyến vượt qua được mọi thử thách gian lao.

Ngay năm 1962, nhạc sĩ Huy Du đọc được bài này trên báo Văn nghệ . Như tri âm tìm được bạn tri âm, nhạc sĩ đã phổ nhạc luôn, chắp cánh giai điệu cho thi phẩm. Bài hát ngay lập tức được khán thính giả cả nước, nhất là các bạn trẻ vô cùng yêu thích, trở thành “bài ca đi cùng năm năm tháng” ./.

Nguyễn Thị Thiện