" Những Đứa Trẻ Chơi Trước Cửa Đền" của Thi Hoàng qua lời bình của Đặng Toán

NHỮNG ĐỨA TRẺ CHƠI TRƯỚC CỬA ĐỀN

THI HOÀNG

Ông từ giữ đền ơi xin ông đấy

Chấp với bọn trẻ ranh rửng mỡ làm gì

Thế là ông cười rồi ông nhỉ

Cho chúng nó chơi đừng đuổi chúng đi

Này thằng Tâm con nhà bố Tầm

Trước cửa đền không được giồng cây chuối

Lại còn hét lên như giặc cái

Con bé cái Nhân con bà Nhẫn kia

Những mắt cười vê tít lại như sợi chỉ

Gạch sân đền ấm lên ửng má

Tiếng trẻ con non màu lá mạ

Vệt mồ hôi tươi mưởi quệt ngang mày

Thật tuyệt vời thằng cháu ông Đương

Ngón tay cái rất to cho được vào lỗ mũi

Ra đây nhảy dây, ra đây trốn đuổi

Chúng như là hạt mẩy dưới hoàng hôn

Hoa mẫu đơn cũng tưng bừng í ới

Khói hương bài thơm tỉ tê lân la

Cây vun tán lên đơm xôi đóng oản

Gió liu điu cho thấm tháp chan hòa

Chợt ngẫm trẻ con là giỏi nhất

Làm được buổi chiều rất giống ban mai

Thánh cũng hân hoan. Đố ai biết được

Ngài ở trong kia hay ở ngoài này.

Lời bình của Đặng Toán:

Chỉ vì mải mê chơi trò “giồng cây chuối” và nô nghịch, la hét “như giặc” làm kinh động chốn linh thiêng, những đứa trẻ chơi trước cửa đền có nguy cơ bị ông từ giữ đền đuổi đi chỗ khác. Thật may cho chúng, nhà thơ đã kịp thời xuất hiện và can thiệp. Tác giả cất lời cầu xin tha thiết, chân thành làm mủi lòng ông từ giữ đền chắc cũng là bất đắc dĩ phải xua đuổi bọn trẻ: “Ông từ giữ đền ơi xin ông đấy/ Chấp với bọn trẻ ranh rửng mỡ làm gì”. Và khi thấy ông có vẻ xuôi xuôi “ Thế là ông cười rồi ông nhỉ”, nhà thơ nhấn thêm câu nữa: “Cho chúng nó chơi đừng đuổi chúng đi”.

Không đuổi đám trẻ đi nữa nhưng ông từ cũng đã có những lời nhắc nhở vừa cụ thể, vừa hết sức nghiêm khắc : “Này thằng Tâm con nhà bố Tầm/ Trước cửa đền không được giồng cây chuối”, không được “hét lên như giặc cái/ Con bé cái Nhân con bà Nhẫn kia”. Còn với tác giả, chuyện nô nghịch của bọn trẻ là đương nhiên và ông không hề cảm thấy có chút phiền lòng nào. Trái lại, nhà thơ còn tỏ ra vô cùng thích thú và trìu mến ngắm nhìn dáng vẻ ngộ nghĩnh, hành động dễ thương của chúng. Hãy xem ông mô tả các em bằng loạt hình ảnh thật đẹp và sinh động: “Những mắt cười vê tít lại như sợi chỉ/ Gạch sân đền ấm lên ửng má/ Tiếng trẻ con non màu lá mạ/ Vệt mồ hôi tươi mưởi quyệt ngang mày”. Những hình ảnh chỉ hợp, chỉ có ở trẻ nhỏ: Những đôi mắt cười tít lại, những đôi má ửng đỏ, động tác ngoáy mũi, những vệt mồ hôi quyệt vội... Và đặc biệt cách ví von độc đáo, giầu hình tượng “tiếng trẻ con non màu lá mạ; chúng như hạt mẩy dưới hoàng hôn”, chắc chỉ có ở nhà thơ Thi Hoàng.

Lũ trẻ hồn nhiên vui chơi, nô đùa mà không hề hay biết có những điều thần kì của cảnh vật, của thiên nhiên đang xảy ra xung quanh: “Hoa mẫu đơn cũng tưng bừng í ới/ Khói hương bài thơm tỉ tê lân la/ Cây vun tán lên đơm xôi đóng oản/ Gió liu điu cho thấm tháp chan hòa”. Chỉ nhà thơ là người duy nhất nhìn thấy điều ngỡ chỉ có trong thế giới cổ tích đó. Và một loạt biện pháp nhân cách hóa được tác giả sử dụng thông qua các động từ “tưng bừng í ới; tỉ tê lân la; đơm xôi đóng oản...” đã làm cho cảnh vật, thiên nhiên bỗng hóa thành những cô bé, cậu bé vô cùng đáng yêu. Điều đó cho thấy, tác giả đã có sự quan sát tinh tế và là người rất giỏi nắm bắt tâm lí, tính cách con trẻ.

Đền, miếu vốn là nơi linh thiêng để người dân thờ cúng những vị thần, vị thánh đã được tôn sùng từ rất lâu đời. Khi những đứa trẻ với tâm hồn trong veo như buổi sớm mai ghé tới, chúng thoắt trở thành những vị khách đặc biệt, có năng lực làm biến đổi không những cảnh vật xung quanh ngôi đền mà ngay cả những vị thánh, vị thần ngự trị tại chốn linh thiêng đó, làm cho: “Thánh cũng hân hoan”. Lại thêm một cách ví von độc đáo nữa. Ngài ở trong đền hay đã rời ra ngoài nhập đoàn chơi đùa say sưa cùng lũ trẻ, đố ai biết được. Nhưng có lẽ điều đó cũng không còn quan trọng nữa bởi nhà thơ bất chợt nhận ra:“ trẻ con là giỏi nhất/ Làm được buổi chiều rất giống ban mai”. Thi sỹ được sống lại tuổi thơ ấu hồn nhiên, trong trẻo của mình chính bởi tình cảm yêu thương ông dành cho lũ trẻ. “Yêu trẻ trẻ đến nhà” mà. Cái buổi chiều buồn tẻ tuổi già đã hóa thành ban mai tươi tắn, trong veo khiến thể chất cũng như tâm hồn tác giả như được tiếp thêm nguồn năng lượng sống vô cùng ý nghĩa.

Nhắc tới nhà thơ Thi Hoàng, độc giả nhớ ngay đến những câu thơ đã làm nên “thương hiệu” của ông: “Trời thì xanh như rút ruột mà xanh/ Cây thì biếc như vặn mình mà biếc” (Bài Ở giữa cây và nền trời). Với riêng tôi, “Những đứa trẻ chơi trước cửa đền” là một bài thơ viết về thiếu nhi hay nhất của nhà thơ Thi Hoàng. Hay ở cách cấu tứ bố cục, hay ở cách sử dụng hình ảnh so sánh rất tiêu biểu, cách dùng biện pháp nhân hóa có chọn lựa và cách nhà thơ quan sát, chiêm nghiệm. Đặc biệt, tình cảm yêu thương, nâng niu hết sức ân cần, trìu mến những thiên thần bé nhỏ đã cùng nhà thơ sáng tạo ra một thi phẩm đầy nhân văn, nhân ái làm xúc động, ấm áp tâm hồn người đọc./.