Bài Thơ " Cũng may là còn" của Phạm Đương qua lời bình của Hà Huy Hoàng

HÀ HUY HOÀNG

CŨNG MAY LÀ CÒN

PHẠM ĐƯƠNG

Cũng may là còn sông Hương

để anh biết đường trở lại

những con bò bình yên gặm cỏ

chỉ lối anh về

những trái bí trái bầu

lớn lên lớn xuống

để anh còn một góc quê hương mà buồn

xạc xào vườn chuối ngày gió đông

không ồn ào chốn com lê cà vạt

gốc mai già trăm tuổi

để anh cúi đầu mỗi độ vàng bông

mà không thấy xấu hổ...

cũng may là còn sông Hương

để anh nhớ đường về

ngô đồng thẫm xanh chim phượng

à ơi chuột chạy cùng sào

ta đâu là con chuột

lũ lụt đẩy ta xa bụi trúc bụi tre

vẫn nén câu thơ ứ đầy trong ngực

muốn thét một tiếng cho vỡ giọng để còn kịp thở

cũng may là còn sông Hương

làm chiếc lông ngỗng

cũng may là còn có thơ

để anh tát cạn vui buồn trần thế

trong mơ gặp một con bò

bình yên gặm cỏ...

Lời Bình của HÀ HUY HOÀNG

Cũng thuộc "trường phái" cách tân và đổi mới, có lẽ cũng ngót ngét ba mươi năm nay, nhà thơ Phạm Đương đã không mấy khi tản bộ trên con đường xưa cũ nữa.

Cái con đường xưa cũ mà tôi vừa nói ở trên chính là con đường của thi ca vần vèo, du dương và kể lể...

Chỉ có thể là thể thơ tự do mới hầu mong chuyển tải được trọn vẹn những tư tưởng cùng một hồn thơ phóng khoáng, mới mẻ và có gì trần trụi như cuộc đời vốn vậy.

Sở sĩ tôi nói thế bởi khi đọc bài thơ "Cũng may là còn" của anh, đã cho tôi cái cảm giác và ý nghĩ mà tôi vừa đề cập.

Mà thực ra, phía sau cái trần trụi, gai góc có phần thô ráp ấy là cả một "bầu trời thơ" trong veo, tình cảm và sâu lắng tình người.

"Cũng may là còn" - bài thơ của một người thi sĩ viết về một người thi sĩ - mà người thi sĩ được "hiện diện" ở bài thơ này thuộc bậc "trưởng lão" mà Phạm Đương vô cùng mến thương và ngưỡng mộ.

Tuy thế, bản thân người viết mấy dòng này từng chứng kiến, ngoài đời họ vẫn thân mật gọi anh xưng em chứ không hề "chú - cháu".

Mặc dù tác giả "Cũng may là còn" không có lời đề tặng, dưới cái cái tiêu đề đến cả nội dung bài thơ đều không nhắc nhớ đến tên người ấy. Tuy nhiên, cũng không khó để chúng ta nhận biết người thi sĩ đó là ai, tên gì và đã từng làm gì nơi chốn quan trường thời hoạn lộ.

"Cũng may là còn sông Hương

để anh biết đường trở lại

những con bò bình yên gặm cỏ

chỉ lối anh về

những trái bí trái bầu

lớn lên lớn xuống

để anh còn một góc quê hương mà buồn

xạc xào vườn chuối ngày gió đông

không ồn ào chốn com lê cà vạt

gốc mai già trăm tuổi

để anh cúi đầu mỗi độ vàng bông

mà không thấy xấu hổ..."

Người thi sĩ cao niên và nổi tiếng ấy, đồng thời cũng từng là một vị quan lớn của "triều đình" thời hiện đại. Khi đến tuổi "về vườn", ông không chọn nghỉ ngơi ở "Hà Nội băm sáu phố

phường", mà quyết định về an dưỡng chốn cố hương, nơi có núi Ngự sông Hương đã tắm mát hồn thơ ông suốt một thời trai trẻ. Về với quê hương là ông có dịp ngẫm ngợi, sống lại bao ký ức cùng chiều Hương Giang một thuở buồn vui.

Vâng, những "Chiều Hương Giang" ấy không phải để người thi sĩ nhìn đền đài lăng tẩm, cũng không phải để ngắm những tòa biệt thự chọc trời hay bầu bạn với các đại gia, chức sắc. Mà đơn giản ông chỉ muốn "Mắt tôi nhìn trong suốt nước Hương Giang". Nhìn nước Hương Giang và bạn bầu với chú bò đang bình yên gặm cỏ. Thế mới thấy hồn thi nhân nó tĩnh tại và sâu lắng đến nhường nào.

Về với quê hương là về với mẹ. Không biết giờ đây khi mẹ đã khuất bóng rồi, ông có còn hoảng hốt khi sợ mình "vẫn còn một thứ quả non xanh"?

Bỏ cam lê cà vạt, những ồn ã nhênh nhang lại chốn quan trường, tác giả của "Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ" ngày mỗi ngày lắng nghe tiếng xạc xào của vườn chuối ngày đông, tiếng bụi trúc bụi tre vít cong ông mặt trời mỗi sớm mai thức dậy. Ngồi tịnh yên thả hồn dưới cội ngô đồng, cúi đầu trước gốc mai già trăm tuổi mỗi độ vàng bông... Tất cả, tất cả đã cho ông một khoảng lặng diệu kỳ, một cái nhìn trong suốt nước Hương Giang...

Theo lẽ đời, từ xưa đến nay, bất cứ một vị quan nào khi về vườn, tội ít công nhiều hay tội nhiều công ít, lời ong tiếng ve, nếu có, cũng là điều hết sức bình thường.

Kệ, mặc ai nghĩ sao thì nghĩ, chỉ biết là với Phạm Đương, trước sau anh vẫn dành cho người thi sĩ ấy một tình cảm chân thành, yêu thương và trân quý. Đọc những dòng thơ "Cũng may là còn" tôi cảm kích và xúc động vô cùng. Tôi thật sự ngưỡng mộ nhà thơ ấy, đồng thời, tôi cũng vô cùng ngưỡng mộ và trân quý thi sĩ Phạm Đương.

"cũng may là còn sông Hương

làm chiếc lông ngỗng

cũng may là có thơ

để anh tát cạn buồn vui trần thế

trong mơ gặp một con bò

bình yên gặm cỏ..."

Chao ôi, cái lông ngỗng từ truyền thuyết tình sử Mỵ Châu - Trọng Thủy được thi sĩ họ Phạm khéo léo "cấy gài" vào đây thật hay và đắc địa.

May quá, cũng nhờ những chiếc lông ngỗng tâm thức ấy đã giúp người thi sĩ khi tuổi cao sức yếu vẫn nhớ đường về núi Ngự sông Hương, nhớ cái làng An Cựu là nơi ông đã oa oa cất tiếng khóc đầu tiên, nơi những vần thơ được hình thành thuở ban đầu cầm bút...

Vâng, xin thi sĩ hãy an yên trong lòng của quê hương để nhờ thơ "tát cạn vui buồn trần thế", hãy ném "câu thơ ứ đầy trong ngực" cho vỡ giọng, cho dễ thở bởi bao điều mà thời hoạn lộ, vì nhiều lý do ông không nói được. Và, để "trong mơ gặp một con bò/ bình yên gặm cỏ..." đi nào. Được thế cũng là hạnh phúc của một cuộc người trong cõi phù sinh này rồi ạ.

Đọc "Cũng may là còn" nói riêng và thơ Phạm Đương nói chung, ta thấy người thích cũng nhiều mà kẻ không ưa cũng lắm. Tôi tin là anh cũng không mấy bận tâm trước hai luồng ý kiến gần như trái chiều này. Riêng tôi, tôi cảm nhận thơ của người thi sĩ này thật hay nhờ trải nhiệm, giàu ý tưởng và sáng tạo không ngừng. Đặc biệt, Phạm Đương MỚI NHẤT trong thế hệ các nhà thơ đã trưởng thành từ sau 1975 và cho đến tận ngày nay của quê hương miền núi Ấn sông Trà.

HÀ HUY HOÀNG