Ảo và thực và “những cơn sốt nhẹ”

Cách nay hơn chục năm, nhà văn Trần Đức Tiến có một tập truyện ngắn mang tên Lỏng và tuột (Nxb Hội Nhà văn, 2010). Ông viết rất khéo nhưng vẫn gợi những suy nghĩ thâm thúy về cách hành xử của mỗi con người, tất nhiên trong đó có các nhà văn thời hiện đại, rằng: cái đáng nắm cho chặt thì không nắm, cái không đáng nắm thì cố ghì níu, thành thử khi lâm trận thì rơi vào “bĩ cực” mà không tìm ra “thái lai” vì tình trạng “lỏng và tuột”.

Tranh minh họa: Thenovelry

Đến nay, tình trạng “lỏng và tuột” xem ra lại càng trầm trọng hơn khi mạng xã hội phát triển. Từ 1997, khi Internet vào Việt Nam, nhiều thứ thay đổi, thậm chí đảo lộn triệt để. Theo tài liệu điều tra dân số chính thức, hiện nay Việt Nam đã chạm mốc gần 100 triệu người. Việt Nam cũng là một quốc gia “hùng mạnh” về chỉ số phần trăm người sử dụng internet và mạng xã hội, tính trung bình là hơn hai phần ba dân số hiện nay. Nhưng không thể không thừa nhận một cách cay đắng rằng, không thể ỷ vào tỷ lệ số dân sử dụng Internet và mạng xã hội cao mà coi đó là một chỉ dấu để hy vọng cho cuộc cải biến xã hội về các mặt kinh tế - xã hội - văn hóa... và nâng cao dân trí. Thực tế đang hé mở một cánh cửa, nhưng dẫu sao vẫn là cánh cửa hẹp. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều viết trên báo Quân đội nhân dân bài báo Người tài và một khe cửa hẹp, được nhiều người tán thưởng. Không phải không có cái nghĩa lý của ý tứ này. Không thể không vấn vương và suy ngẫm với những người làm việc trong lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật. Gần đây rộ lên về cái gọi là “giấc mơ Nobel văn chương”, làm dậy sóng văn giới Việt Nam. Suy cho cùng là một tâm tư, nguyện vọng không có gì là không chính đáng. Đã có ý kiến phản biện mạnh mẽ và thuyết phục: Tại sao chúng ta không mơ tới Nobel hòa bình và các lĩnh vực khác như vật lý, hóa học, sinh học, y học; hay giải Fields (như Nobel) của toán học? Thiết nghĩ, đó cũng là tình trạng/tâm thế của cái gọi là “lỏng và tuột”, “ảo và thực”...

Nhà văn Việt Nam qua các thời kỳ cách mạng và chiến tranh, hậu chiến và đổi mới, hội nhập và phát triển... đã thực hành phương châm “sống đã rồi hãy viết”. Bây giờ ai đó thảng hoặc nhắc lại thì bị coi là “biết rồi, khổ lắm, nói mãi...” Không ít người viết văn, trong số đó có nhiều người trẻ, thẳng thắn đặt vấn đề trên các diễn đàn nghề nghiệp về tính không nhất thiết và không cần thiết phải đi thực tế chỉ để phục vụ sự viết (!) Họ vin vào trước hết là năng lực tưởng tượng vô biên của nhà văn, sau nữa là thành tựu của cách mạng khoa học kỹ thuật, đặc biệt là khoa học công nghệ 4.0, của trí tuệ nhân tạo... để biện hộ cho mình đang sống trong không gian mạng và chuyển đổi số “chỉ cần nhấn con chuột là cả thế giới hiện ra trước mặt”. Cho nên có thể thay thế công thức “sống đã rồi hãy viết” bằng “viết đã rồi hãy sống” hoặc giả “vừa viết vừa sống”.

Nói như trên, không có gì là không đúng nếu xét theo “thuyết tương đối”. Nhưng ngẫm kỹ thì thấy chưa đủ khi nhà văn cầm bút mà thặng dư chữ nghĩa chưa phải là kết quả cuối cùng của trải nghiệm sống và trải nghiệm văn hóa. Quả thật, nếu chỉ như thế thì chữ chỉ vẫn là “xác chữ”, chưa đạt tới chữ nghĩa. Có không ít người viết văn hiện nay đang rơi vào mê lộ của mạng xã hội, đắm đuối (nghiện/ ngáo) Facebook. Vì thế vô tình hay hữu ý lâm vào tình trạng phân tán đủ thứ: thời gian, sức lực, tài năng... và quan ngại nhất là phân tán sự quan tâm đến đời sống. Vì thế, đôi khi những cái họ viết ra thành sản phẩm thuộc về “tán” (bình tán, tán tụng... thậm chí là tán phét, tán tỉnh...) Cũng vì rơi vào mê hồn trận của mạng xã hội mà không ít người viết văn, nhất là những tác giả trẻ, đã sa vào tình trạng “tẩu hỏa nhập ma”. Bị tâm lý đám đông dẫn dắt, mê dụ... nên thậm chí có khi “đâm quàng bụi rậm”; trong khi đáng lý mỗi con chữ là một “đọi máu” thì lại xa xỉ, hoang phí vô độ như cách viết và công bố trên mạng xã hội nhiều điều chướng tai gai mắt, bị những người cực đoan dè bỉu “văn mạng” là... “văng mạng”.

Chúng ta đang say mê “chuyển đổi số” như một cách thức vận hành mới với tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội, nhất là trong kinh tế, quản trị xã hội. Công nghiệp văn hóa đang được quan tâm, đề cao như mũi nhọn đột phá ngành sản xuất tinh thần. Không có gì là không đúng và không nên làm. Nhưng liệu khi có những cỗ máy dùng trí tuệ nhân tạo để viết văn, làm thơ thì những người nghệ sĩ ngôn từ sẽ tồn tại như thế nào là cả một vấn đề không hề đơn giản. Lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật có nền tảng căn cơ là cảm xúc. Ảo hay thực ở đây xuất phát từ trái tim con người chứ không thể là máy móc, công nghệ... Tôi không tin người viết văn nào mỗi ngày dành cả mấy tiếng đồng hồ để “lướt mạng”, bàn góp chuyện bao đồng (ngôn từ xã hội gọi là “rách việc”), sống với thế giới ảo... lại có thể viết ra tác phẩm “làm thành người”, theo cách diễn đạt của nhà văn Pháp Romain Rolland.

Cha ông ta vốn đề cao triết lý lão thực, điều đó không phải là thực dụng, mà hàm nghĩa thực tế, thực tiễn. Câu “Cơm áo không đùa với khách thơ” lẽ nào không là một triết lý có ý nghĩa “lão thực”? Trong văn thơ cổ điển dân tộc, chúng ta có thể tìm thấy những bài học về “triết lý lão thực” của người xưa. Xin dẫn một ví dụ, bài thơ Ly cư giản chư đồng chí (Ở nhà quê gửi thư cho các đồng chí) của Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) viết: Bất tài lạm khoác chiếc long bào/ Mệt nhọc cười mình tự buộc vào/ Thực học người trông chưa thỏa mãn/ Hư danh đời nhạo khó ngăn rào/ Người khen trâm phất đường vinh dự/ Ta mến tùng quân bạn cố giao/ Ai phải ai sai thôi chớ nói/ Mây xanh mây trắng lớp cao nào? (Hoàng Việt thi văn tuyển). Cũng chính nhà thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm còn để lại câu thơ nổi tiếng đậm chất triết lý lão thực: Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ/ Người khôn người tìm chốn lao xao.

Nhân bàn thêm về “triết lý lão thực”, tôi nghĩ đến câu Karl Marx trả lời con gái. Con gái hỏi: “Châm ngôn ưa thích nhất của cha là gì?”, Mác đã trả lời thẳng thắn khi dẫn ra câu châm ngôn nổi tiếng của La Mã cổ đại: “Không có gì của con người mà tôi lại coi nó như xa lạ đối với tôi.” Khi bàn về triết lý lão thực với các nhà văn trẻ, tôi cũng đọc lại bài Một biểu hiện của tính lão thực: cảm thức nhân loại của nhà phê bình Văn Tâm: “Nhật ký trong tù, sáng tác văn chương chủ yếu của Hồ Chí Minh, là một cuốn nhật ký đích thực - do đó cũng là thi phẩm hướng nội nhất, đồng thời cũng rất hồn nhiên và “lão thực”. Viết để mà nhớ - Hòa lệ thành thơ tả nỗi này - đã làm tường minh thêm một tố chất đáng trân trọng ở nhân vật văn hóa lớn này” (Hồ Chí Minh - Tác gia, tác phẩm, nghệ thuật ngôn từ, Nxb Giáo dục, 2005, tr. 665).

Hiện như đang lây lan một “cơn sốt nhẹ” trong giới nhà văn, nhất là các tác giả trẻ, về cái gọi là “văn chương suy cho cùng là một trò chơi vô tăm tích”, thậm chí có người còn mê sảng xưng tụng đó là một “tuyên ngôn”. Bồi thêm gần đây là sự tiếp nhận rầm rộ các lý thuyết nước ngoài về các chủ nghĩa “tân kỳ” khiến cho không ít người viết văn ở ta có cảm giác được “khai hóa”. Thật ra đó là một cảm giác có tính “ảo”, vì văn học nghệ thuật phải được bén rễ, đâm chồi nảy lộc, nuôi dưỡng, trưởng thành chính trên thung thổ văn hóa bản địa. Đặc biệt văn chương phải là nghệ thuật ngôn từ dân tộc, dẫu cho đôi khi nó được ví “như bùn và như lụa” (Lưu Quang Vũ - Tiếng Việt). Tiếp biến tinh hoa văn hóa nhân loại là cần thiết. Nhưng với người viết văn thông minh và “lão thực” thì trước tiên hãy biết tiếp biến tinh hoa văn hóa truyền thống dân tộc.

Lạm bàn về “lỏng và tuột”, ảo và thực, dân tộc và hiện đại... trong đời sống cũng như trong hoạt động sáng tạo nghệ thuật, thiết nghĩ cũng là một chủ đề quan trọng và đôi lúc nhạy cảm, vì thế cần mở rộng đối thoại dân chủ, trên tinh thần khoa học, bình đẳng và thân ái, cùng cầu thị và tiến bộ.

Bùi Tùng Ảnh

Nguồn Văn nghệ số 13/2024